Khi nhiều ngành nghề truyền thống dần bị mai một theo thời gian thì gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến (thôn Hậu Ái, xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) vẫn giữ nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống. |
Tất cả mọi công đoạn để làm ra các sản phẩm như tiến sĩ giấy, ông đánh gậy trông trăng, đèn ông sao... đều được gia đình cô Nguyễn Thị Tuyến (sinh năm 1964) làm thủ công. |
Cô Tuyến chia sẻ: "Nhà tôi đã 3 đời làm đồ chơi Trung thu. Từ lúc lên 8 tôi đã kết duyên với nghề này, tính đến nay đã hơn 40 năm nặng lòng với đèn ông sao, ông tiến sĩ". |
"Nghề này đòi hỏi tình yêu với những giá trị truyền thống, vì cả năm chỉ có 1 vụ, thu nhập lại chẳng được bao nhiêu, chủ yếu là lấy công làm lãi", cô Tuyến cho biết thêm. |
Khác với đồ chơi ngoại nhập, nguyên liệu để làm nên đồ chơi Trung thu truyền thống chủ yếu là làm bằng cây nứa và giấy màu. Riêng nứa được chọn lọc kỹ lưỡng, chặt thành nhiều đoạn ngâm trong nước vôi để chống mọt, sau đó mới được chẻ ra phục vụ sản xuất. |
Tất cả mọi công đoạn, từ "chế biến" nguyên liệu thô sơ.... |
..."nhào nặn" thành hình hài... |
Đến khi bắt đầu hoàn thiện đều được làm hoàn toàn thủ công. |
Với sản phẩm tiến sĩ giấy, trung bình phải mất 2 giờ đồng hồ để làm xong với hơn 20 công đoạn. Trong đó, làm khung và mặt nạ là 2 công đoạn khó, không chỉ yêu cầu cao về chất lượng nguyên liệu mà để tạo nên được thần thái của ông tiến sĩ còn đòi hỏi nghệ nhân phải có kinh nghiệm lâu năm trong nghề. |
Vất vả là thế nhưng giá thành mỗi sản phẩm đều ở mức khiêm tốn so với công sức người sản xuất, vào khoảng 30.000 - 50.000 đồng/ sản phẩm với loại kích cỡ phổ thông. Để kịp hoàn thành các đơn đặt hàng, gia đình thường phải bắt tay vào sản xuất từ đầu tháng 6 âm lịch, công việc làm đồ Trung thu hàng ngày thường kéo dài từ 8 giờ sáng đến 2 giờ đêm. |
Vẫn biết khó có thể sống được với nghề, nhưng khi được hỏi sẽ gắn bó với đồ chơi Trung thu truyền thống đến bao giờ, cô Tuyến chỉ cười và nói: "Khi nào sức khỏe còn cho phép, thì tôi vẫn làm và truyền nghề để những giá trị văn hóa dân gian sẽ mãi được lưu giữ". |