Trong thời gian qua, “cuộc chiến” bản quyền truyền hình (BQTH) các giải bóng đá Việt Nam đã diễn ra vô cùng căng thẳng. Tuy nhiên, “cuộc chiến” này đã chính thức chấm dứt vào sáng 23/4 khi VFF, công ty CP bóng chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và công ty CP Viễn thông và truyền thông An Viên (AVG), đã đạt được thỏa thuận bằng một văn bản và “không đòi một xu”.

Tuy nhiên, việc AVG nhượng lại hợp đồng cho VPF mà không đòi một khoản tiền nào khiến không ít người hâm mộ tò mò.

Trước sự tò mò của người hâm mộ, Chủ tịch AVG - Phạm Nhật Vũ đã lên tiếng giải thích: “Nếu ngay từ đầu họ xin tôi đàng hoàng thì tôi đã giao lại cho rồi, đâu phải kiện cáo gì. Đằng này họ cứ khăng khăng khẳng định hợp đồng tôi ký với VFF là không đúng luật, thế nên tôi mới không giao. Tôi để họ kiện xem họ làm gì được tôi. Tôi làm để họ thấy tôi không sai luật”.

PhamNhatVuAVG.jpg

Chủ tịch AVG - Phạm Nhật Vũ

“Tôi xin khẳng định, quyết định của AVG hoàn toàn xuất phát từ mục đích là vì quyền lợi của bóng đá Việt Nam, không có bất cứ sự liên quan nào đến yếu tố tiền bạc ở đây. Là một nhà kinh doanh thì dĩ nhiên chúng tôi không bao giờ nói không với tiền, nhưng cũng không phải chúng tôi làm mọi thứ chỉ vì tiền, bởi suy cho cùng còn có nhiều thứ quan trọng hơn tiền” – ông Phạm Nhật Vũ khẳng định.

Theo văn bản thỏa thuận được 3 bên ký vào sáng 23/4, AVG đồng ý thanh lý toàn bộ hợp đồng chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá thuộc VFF trong thời hạn 20 năm (từ 2011-2030) mà họ và VFF đã ký kết vào cuối năm 2010.

AVG sẽ giao lại bản quyền truyền hình V-League, hạng nhất quốc gia và Cup quốc gia cho VPF, giao lại bản quyền truyền hình đội tuyển quốc gia, các giải trẻ và giải phong trào lại cho VFF. Cùng với đó, VFF cũng phải trả lại AVG số tiền bản quyền truyền hình 2 năm mà họ đã nhận từ AVG.

Ngược lại, để nhận được sự chuyển nhượng của AVG, VPF phải thực hiện 2 điều kiện mà họ đưa ra: Kiếm được tối thiểu 50 tỷ/năm và giữ nguyên thương quyền truyền hình như AVG đã chia với VTV và VTC.

AVG sẽ giao lại bản quyền truyền hình V-League, hạng nhất quốc gia và Cup quốc gia cho VPF, giao lại bản quyền truyền hình đội tuyển quốc gia, các giải trẻ và giải phong trào lại cho VFF

Theo ông Phạm Nhật Vũ, bản chất của hợp đồng khai thác thương quyền bóng đá Việt Nam suy cho cùng cũng là để kinh doanh, nhưng với AVG, kinh doanh bản quyền truyền hình không đơn thuần chỉ là kiếm tiền mà còn nhằm mang lại những giá trị và lợi ích cho cộng đồng. Thế nên, khi nhận thấy điều gì có thể mang lại lợi ích tốt nhất cho bóng đá Việt Nam thì AVG sẵn sàng thực hiện, cho dù làm như thế có thể khiến AVG gặp chút ít thiệt thòi.

Trước những điều kiện AVG đặt ra, VPF cho biết, đã có không dưới 10 doanh nghiệp lớn xin vào “Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam” và VPF sẽ kiếm được không dưới 30 tỷ đồng từ bản quyền truyền hình ngay trong giai đoạn lượt về năm 2012.

Phó Chủ tịch HĐQT VPF, ông Nguyễn Đức Kiên hào hứng cho biết, ngay vòng 15 tới đây, việc khai thác BQTH sẽ được tiến hành với sự phối hợp giữa VPF với các nhà đài. Hiện đã có gần đủ 10 doanh nghiệp sẵn sàng tham gia vào “Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam” và cam kết chuyển 3 tỷ đồng/doanh nghiệp cho VPF. Theo ông Kiên, mục tiêu trước mắt của VPF là thu 30 tỷ đồng từ BQTH ở lượt về mùa giải năm nay. Còn những năm tiếp theo, nguồn thu này sẽ không dưới 50 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, để đổi lấy bản quyền truyền hình V.League và giải hạng Nhất, các đài truyền hình lớn như VTV, VTC… phải trả cho VPF từ 15-20 phút quảng cáo trước, trong và sau trận đấu. VPF sẽ dùng thời lượng này để quảng cáo cho 10 doanh nghiệp lớn mà họ “mời” vào “Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam”.

Về phía VFF, Phó Chủ tịch Lê Hùng Dũng cho biết, VFF sẽ cùng AVG tham gia vào quá trình thực hiện bản quyền truyền hình của VPF với tư cách tư vấn, giám sát. Cũng theo ông Dũng, VPF chỉ được khai thác thương quyền của 4 giải là V.League, hạng Nhất, cúp quốc gia và Siêu Cúp. “Thương quyền các giải còn lại, trong đó có các giải của đội tuyển quốc gia, sẽ giao lại toàn bộ cho VFF” - ông Dũng nói./.