Trong khi người hâm mộ đang mải mê với những thành công ban đầu của đội U.19 Việt Nam và coi những cầu thủ này là tương lai của bóng đá nước nhà thì giải Vô địch QG V.League 2014 lại một lần nữa lao đao vì chuyện “cơm áo gạo tiền”, khi thêm một đội bóng đứng trước nguy cơ giải thể vì không lo được kinh phí.
Có kẻ không tiền… bỏ cuộc chơi
Trước khi Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF) tiến hành bốc thăm xếp lịch thi đấu cho hai giải hạng nhất và V.League thì đội Hùng Vương - An Giang đệ đơn xin… bỏ giải. An Giang là đội phải xuống hạng nhất sau trận play-off với Cần Thơ.
Điều khiến An Giang bỏ giải bắt nguồn từ nguyên nhân rất đơn giản: Thiếu tiền. Theo thông tin từ đội bóng, kể từ khi đội này thi đấu ở V.League họ luôn ở trong tình trạng thiếu tiền bởi nhà tài trợ không rót tiền đúng hạn. Theo thông tin từ đội bóng khi nhận tài trợ cho đội bóng, lãnh đạo của nhà tài trợ là Công ty Thủy sản Hùng Vương đã đưa ra bài toán Nhà máy Agifih tại An Giang (công ty con của Hùng Vương) thu hoạch tối thiểu khoảng 20.000 tấn cá/năm, chỉ cần trích ra 1.500 đồng/kg thôi thì đã có 30 tỉ đồng để nuôi đội bóng, chưa kể các nguồn thu khác.
Bài toán rất rõ ràng, chỉ khúc mắc ở một điểm duy nhất: Diện tích để Hùng Vương “đầu tư” 30ha đất vùng nuôi cá tra vẫn cứ nằm trên giấy. Ở cảnh đầu không xuôi, đuôi không lọt nên khi doanh nghiệp “tháo chạy” bởi cách làm quá thiếu chuyên nghiệp và uy tín từ phía địa phương thì đội bóng cũng “chết yểu luôn”.
Bây giờ, ngay trước thềm V.League 2015 thì đến lượt Đồng Tháp “nhấp nháy” bỏ giải vì lý do tương tự.
Giống như An Giang, lâu nay Đồng Tháp “sống nhờ” vào bầu sữa của doanh nghiệp nằm trên địa bàn tỉnh, đó là Tổng công ty Cao su Đồng Tháp. Hết mùa 2014, Đồng Tháp được lên chơi V.League, niềm vui chưa được bao lâu thì đội bóng này có nguy cơ giải thể.
Theo quy định từ BTC giải, để chơi V.League, đội bóng phải đảm bảo nguồn tài chính 35 tỉ đồng (nay đã giảm xuống chỉ còn 30 tỉ). Nhưng ngay cả khi đã xuống 30 tỉ thì Đồng Tháp cũng chẳng có tiền.
Một lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp xin giấu tên nói "Các doanh nghiệp khác trong tỉnh cũng không mặn mà nhảy vào thế chỗ để tài trợ trong khi ngân sách tỉnh không thể dùng để đầu tư cho Công ty CP bóng đá Đồng Tháp vì luật không cho phép. Chưa kể con số 30 tỉ đồng/mùa theo yêu cầu của BTC giải là quá lớn so với một tỉnh nghèo như Đồng Tháp".
Thực tế, chuyện Đồng Tháp “lao đao” có từ mùa trước. Năm ngoái phải đợi tới hạn chót, tức là ngày 31.10 VPF mới nhận được văn bản đăng ký tham dự mùa giải 2014 của đội bóng đá Tập đoàn Cao su Đồng Tháp. Lý do là đến lúc ấy UBND tỉnh mới thống nhất về việc CLB Đồng Tháp đáp ứng yêu cầu bắt buộc của ban tổ chức giải (cam kết và chứng minh đủ năng lực tham dự giải, tức có đủ 20 tỉ đồng) đó là việc việc tận dụng số tiền bán biển quảng cáo trên sân, bán vé, huy động thêm tiền từ nguồn xổ số kiến thiết, vận động doanh nghiệp trong tỉnh tài trợ. Đặc biệt là Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tiếp tục tài trợ cho đội bóng của tỉnh.
Nhưng cao su bây giờ đã “dãn” hết cỡ và nguy cơ giải thể là hiển hiện trước mặt CLB Đồng Tháp.
Đau đầu trước mùa giải mới
An Giang bỏ giải, VPF đã đau đầu, bây giờ đến lượt Đồng Tháp. Nếu điều này là sự thật thì riêng trong năm 2014 đã có ít nhất 3 CLB bỏ giải. Đầu tiên là V.Ninh Bình do dính vào tiêu cực, sau đó là An Giang và Đồng Tháp vì cùng lý do: Tiền.
Trước tình trạng, nhiều CLB “nhấp nhổm” bỏ giải vì thiếu tiền (ngoài Đồng Tháp còn có Quảng Ninh, Hải Phòng đã bị trả về cho Sở VHTT&DL tỉnh quản lý khi các doanh nghiệp Tập đoàn Than - Khoáng sản và Vicem không tài trợ), cách đây không lâu, Chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng có nói cứng: “Ở mùa bóng tới, đội nào có ý định bỏ giải hoặc tuyên bố bỏ giải, tôi sẽ cho nghỉ luôn”.
Với những trường hợp như Đồng Tháp thì ông Chủ tịch dọa thế chứ dọa nữa họ cũng chẳng sợ vì không có thực, đương nhiên không “vực được đạo”.
Trong một lần trao đổi với báo chí gần đây, ông Phạm Ngọc Viễn - Tổng giám đốc VPF có chia sẻ rằng: “Các nhà báo xin đừng đề cập đến những cái xấu, những điều chưa được nhiều quá, bởi nếu thế thì các doanh nghiệp họ rút hết, không ai tài trợ cho bóng đá nữa…”.
Song bản chất của vấn đề không phải ở chỗ các nhà báo hay truyền thông, khi các đội bóng bị doanh nghiệp quay lưng, trước hết họ và VFF, VPF phải nhìn lại mình và tự hỏi: “Tại sao các nhà tài trợ lại bỏ đi…?”./.