Ba môn phối hợp (hay triathlon) là môn thể thao thi đấu chính thức tại các Đại hội thể thao lớn như Olympic và Asian Games từ lâu nhưng tại Việt Nam, triathlon vẫn còn mới mẻ đối với những người yêu thể thao. Tại SEA Games 31 trên sân nhà, đội tuyển triathlon Việt Nam “non trẻ” đang quyết tâm đổi màu huy chương để không phụ lòng khán giả Việt Nam.
Môn thể thao mới du nhập vào Việt Nam hơn 5 năm
Triathlon là sự kết hợp của 3 môn thể thao cơ bản: bơi, đạp xe và chạy bộ. Môn thể thao này có rất nhiều cự ly khác nhau, từ rất ngắn như Sprint (bơi 750m, đạp xe 20km, chạy 5km), Olympic (bơi 1,5km, đạp xe 40km, chạy 10km) đến các cự ly siêu dài như Ironman (bơi 3,8km, đạp xe 180km, chạy marathon 42,2km). Ở các Đại hội thể thao lớn như Thế vận hội, ASIAD hay SEA Games, cự ly tiêu chuẩn là Olympic. Trên thế giới hiện có nhiều hệ thống giải tổ chức ba môn phối hợp như Ironman, Challenge Family, Tri-Factor, ITU World Triathlon Series…
Triathlon mới du nhập vào Việt Nam và thực sự được biết đến từ cách đây hơn 5 năm. Việt Nam đã tổ chức các cuộc thi ba môn phối hợp như Ironman 70.3 Vietnam, Challenge Việt Nam, Tri-Factor, Sunset Bay Triathlon ở các thành phố biển Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu và Tuần Châu (Quảng Ninh). Năm 2019, Việt Nam là chủ nhà đăng cai giải vô địch châu Á Thái Bình Dương Ironman 70.3 Vietnam tại Đà Nẵng, thu hút hàng ngàn vận động viên (những người được mệnh danh là "người sắt") trên khắp thế giới tham gia, trong đó có cả VĐV số 1 thế giới Patrick Lange. Hiện tại, số VĐV phong trào Việt Nam chơi môn thể thao mới mẻ này đã lên tới cả ngàn người.
Triathlon Việt Nam với mục tiêu đổi màu huy chương sau thành công bất ngờ tại Philippines
Hệ quả từ sự phát triển chóng mặt này, Việt Nam lần đầu tiên đăng ký tham gia thi môn triathlon ở SEA Games 30 với mục tiêu giao lưu học hỏi, cọ xát. Bên cạnh các VĐV từng ở trong môi trường chuyên nghiệp được nhiều người biết đến thì thành phần đội tuyển triathlon còn có các vận động viên phong trào “tay ngang” như Cao Ngọc Hà, Nguyễn Tiến Hùng, Trần Nhân… Kinh phí để đội tuyển triathlon tham gia SEA Games lấy từ nguồn xã hội hóa.
Trên đất Philippines, đội tuyển triathlon Việt Nam đã thi đấu thành công hơn cả mong đợi. Nguyễn Thị Phương Trinh bất ngờ giành 1 HCĐ ở nội dung duathlon (chạy - đạp xe - chạy). Nữ triathlete người Gia Lai trước đây từng tập chuyên sâu cả xe đạp và điền kinh. Từ một VĐV chưa có tên tuổi ở môn xe đạp, Phương Trinh đã chuyển mình, nhảy sang tập luyện triathlon và có được thành quả bước đầu.
Tại SEA Games 31, ba môn phối hợp sẽ diễn ra tại khu du lịch Tuần Châu (Quảng Ninh) trong hai ngày 14 và 15/5. Trước cơ hội được thi đấu trên sân nhà Việt Nam, các tuyển thủ triathlon đang quyết tâm đổi màu tấm HCĐ của Phương Trinh bất chấp nhiều khó khăn thách thức. Hai năm qua, các tuyển thủ thiếu sự cọ xát, thi đấu quốc tế do dịch Covid-19. Trước khi tập trung để chuẩn bị cho SEA Games, các VĐV hầu như tập luyện dưới sự hướng dẫn qua mạng của chuyên gia người Singapore Loo Chuan Rong.
Đây là kỳ SEA Games có số bộ huy chương nhiều nhất (4 bộ) kể từ SEA Games 2013 tại Myanmar. Điều này thể hiện sự hội nhập của thể thao Việt Nam bất chấp triathlon chưa phải là môn thế mạnh trong khu vực. Đội tuyển Việt Nam tranh tài với 22 thành viên, trong đó có 11 tuyển thủ gồm: Lâm Quang Nhật (cựu VĐV bơi ĐTQG từng giành 2 HCV SEA Games), Trịnh Vũ Anh Huy, Quách Hoàng Việt, Nguyễn Anh Trí, Phạm Tiến Sản (cựu VĐV điền kinh ĐTQG từng giành 3 HCB SEA Games), Hà Văn Nhật, Nguyễn Thị Trà My, Nguyễn Thị Hiệp, Nguyễn Thu Trang, Nguyễn Thị Phương Trinh, Trần Thị Ngọc Trang.
Trong khu vực Đông Nam Á, các quốc gia đã phát triển môn triathlon gồm có Philippines, Indonesia, Thái Lan...Ngoài Philippines có trình độ tương đối vượt trội, Việt Nam có thể cạnh tranh huy chương với các nước còn lại. SEA Games 31 được coi là bước đệm để đội tuyển triathlon Việt Nam chuẩn bị lực lượng tốt hơn cho SEA Games 32 tại Campuchia.
Bộ môn triathlon ở SEA Games 31 sẽ diễn ra trong các ngày 14 và 15/5./.