Với 68 phiếu thuận, 55 phiếu chống và 9 phiếu trắng, Nghị viện vùng Catalan của Tây Ban Nha đã chính thức ghi tên Catalan vào lịch sử khi trở thành vùng thứ hai của Tây Ban Nha - sau bán đảo Canaries cấm tổ chức thi đấu bò tót(năm 1991).

Đây là một quyết định không dễ dàng và gây không ít tranh luận ở vùng Catalan nói riêng và ở Tây Ban Nha nói chung. Từ nhiều năm trở lại đây, nhiều tổ chức được thành lập để vận động các nhà lập pháp xoá bỏ các cuộc thi đấu bò tót với nhiều lý do khác nhau cả về đạo đức lẫn kinh tế.

Những người phản đối tổ chức đấu bò tót cho rằng việc thi đấu tới chết trong các trận đấu bò tót là một hành động dã man đối với động vật; ngoài ra, việc cấm đấu bò tót cũng giúp làm giảm chi phí hàng triệu euro mà nhà nước bỏ ra để tài trợ cho hoạt động này.

Trong khi đó, ý kiến ủng hộ việc duy trì các trận đấu bò tót cũng đông đảo, trong số những người ủng hộ có cả nhà vua Juan Carlos - một người rất đam mê môn đấu này. Trên kênh truyền hình France 24, ông Francis Wolff, Giáo sư triết học Trường Đại học sư phạm Pháp (ENS) giải thích về các ý kiến ủng hộ môn đấu bò tót như sau: “Bò tót không phải là vật nuôi ở trong nhà, nó là vật được nuôi trong chế độ rất đặc biệt trong vòng 4 năm. Bò tót luôn chiến đấu tới cùng để bảo vệ lãnh thổ của mình. Được con người nuôi dưỡng và cuối cùng được chết ở đấu trường, theo một cách nào đó, bò tót đã thực hiện bản năng của mình. Nếu so sánh điều kiện nuôi dưỡng và chết của bò tót, thì rõ ràng bò tót được sống và chết vinh quang hơn hẳn các con vật nuôi khác”.

Lo ngại một hiệu ứng lây truyền từ vùng Catalan, chính quyền vùng Madrid đã thông báo ý định đưa môn đấu bò tót vào Di sản văn hoá, qua đó bảo vệ môn đấu này. Nhưng cuộc tranh luận về việc nên cấm hay không cấm môn đấu bò tót ở Tây Ban Nha vẫn sẽ còn kéo dài và cuộc vượt rào ở Catalan có thể được coi là một tiền lệ quan trọng./.