Phi thường và vĩ đại
Rạng sáng ngày 7/8, theo giờ Việt Nam có lẽ là thời khắc lịch sử đối với thể thao Việt Nam. Đó là giờ phút xạ thủ Hoàng Xuân Vinh xác lập kỷ lục Olympic mới và giành tấm HCV tại Thế vận hội lịch sử ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam – mà nói như chuyên gia Nguyễn Hồng Minh là, bất kỳ người Việt nào, dù có liên quan đến thể thao hay không, đều ao ước và đã may mắn được sống một lần trong đời ở thời điểm đó.
Chiến tích phi thường của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở đấu trường Olympic. (Ảnh: Getty). |
Cách mà Hoàng Xuân Vinh đi vào lịch sử thể thao nước nhà vĩ đại và phi thường, đúng như cách anh rượt đuổi từng điểm số trong mỗi loạt bắn cân não, ở đấu trường lớn và đẳng cấp nhất thế giới. Thế nhưng, xạ thủ 42 tuổi ấy còn vĩ đại hơn thế, khi lần thứ hai làm nên lịch sử, cùng tấm HCB ở nội dung 50m súng ngắn bắn chậm nam vào tối 10/8.
Hoàng Xuân Vinh tiếp tục thiết lập một cột mốc lịch sử mới với lần đầu tiên kể từ khi thể thao Việt Nam hội nhập trở lại với đấu trường Olympic năm 1980, mới có được 2 huy chương ở cùng một kỳ Thế vận hội.
Hoàng Xuân Vinh 2 lần làm nên lịch sử cho thể thao nước nhà chỉ trong vòng 4 ngày với 2 tấm huy chương Olympic (1 vàng, 1 bạc). (Ảnh: Getty). |
Trước đây, thể thao Việt Nam đã có 2 HCB ở Olympic nhưng chia đều ở 2 kỳ đại hội là Olympic Sydney 2000 và Olympic Bắc Kinh 2008 nhờ công của Trần Hiếu Ngân (Taekwondo) và Hoàng Anh Tuấn (cử tạ). Nói thế để thấy, chiến công của VĐV đầu tiên và duy nhất giành 2 huy chương (1 vàng, 1 bạc) ở một kỳ Thế vận Hội – Hoàng Xuân Vinh, vĩ đại thế nào.
Chiến tích ấy có tầm vóc lớn lao như cách Hoàng Xuân Vinh chiến thắng chính mình, để giành tấm HCV Olympic đầu tiên hay khoảnh khắc xạ thủ sinh năm 1974 bắn liền hai phát trong hồng tâm để lách qua “khe cửa hẹp” tiến vào vòng chung kết nội dung 50m súng ngắn bắn chậm, vốn không phải là sở trường, trước khi chịu thua ở hai lượt bắn cuối cùng và ngậm ngùi giành HCB.
Olympic Rio 2016 ngày 5: Hoàng Xuân Vinh tuột vàng, đấu kiếm dừng bước
Cô đơn trên đỉnh
Có thể khẳng định ngay rằng, nhờ cột mốc lịch sử mà Hoàng Xuân Vinh mới thiết lập, thể thao Việt Nam lần đầu tiên có được thứ hạng cao nhất kể từ lần đầu tham dự Olympic, khi có cả HCV và HCB ở đấu trường đẳng cấp hàng đầu thế giới (xếp hạng 6 sau ngày thi đấu đầu tiên và thứ 14 sau ngày thi đấu thứ 5).
Thế nhưng, qua niềm vui ấy, ngoài việc Hoàng Xuân Vinh tạo nên địa chấn và khẳng định tên tuổi của mình cũng như thể thao nước nhà ở Olympic, chúng ta đều thấy xạ thủ sinh năm 1974 cô đơn thế nào khi đảm nhiệm vai trò “gánh đoàn”.
Sân chơi Olympic vẫn quá tầm với Ánh Viên. (Ảnh: Getty). |
Tính đến thời điểm này, ngoài hai tấm huy chương của xạ thủ thuộc biên chế đoàn Quân đội, các môn thể thao còn lại như cử tạ, bơi lội, đấu kiếm, đua thuyền,… của Việt Nam đều thể hiện sự yếu kém trước bức tường đẳng cấp ở đấu trường Olympic.
Nhìn “kình ngư vàng” Ánh Viên phá sâu kỷ lục SEA Games nhưng vẫn không thể vượt qua vòng loại, hay sự thất thần, mất hết tự tin đến không thể nâng nổi tạ của Thạch Kim Tuấn khi thấy màn trình diễn áp đảo Long QingQuan, lực sĩ sau đó giành HCV nội dung cử tạ hạng 56kg nam, phá kỷ lục thế giới và Olympic.
“Hoàng Xuân Vinh đã giành được tấm HCV đầy phi thường ở Olympic“
Đó cũng là sự rối bời của “nữ hoàng kiếm chém” Nguyễn Thị Lệ Dung khi đối mặt với ĐKVĐ thế giới, Olympic và ASIAD – Kim Ji-yeon, tới mức mất liền 7 điểm chỉ trong vòng… 1 phút, trước khi thua tuyệt đối 3-15 sau hai hiệp đấu.
Một lần nữa, bài toàn đầu tư của những người làm thể thao nước nhà lại được đặt một dấu hỏi lớn. Nói như chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, tấm HCV Olympic đầu tiên của Hoàng Xuân Vinh, trong bối cảnh khó khăn khi là xạ thủ nhưng không có đủ… đạn để tập luyện trong nước và phải đi tập huấn nước ngoài, đã “khai mở” tâm trí cho tất cả mọi người, với việc khẳng định thể thao Việt Nam có đủ khả năng cạnh tranh sòng phẳng ở Thế vận hội.
Thể thao Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng ở đấu trường đẳng cấp như Olympic nếu được đầu tư, và đầu tư đúng cách. (Ảnh: Getty). |
“Hãy mạnh dạn đầu tư, và đầu tư thật sáng suốt để có thật nhiều Hoàng Xuân Vinh hay Nguyễn Thị Ánh Viên trong tương lai”, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh đã nhận định như vậy, cùng lời nhắc nhở “đầu tư sáng suốt”. Bởi, ai cũng biết xạ thủ sinh năm 1974 đã “lột xác” ngoạn mục như thế nào khi vượt qua sức ép tâm lý - bài học đau đớn ở Olympic London 4 năm trước đó, nhờ HLV Nguyễn Thị Nhung cùng chuyên gia Park Chung Gun.
Nhìn vào thất bại ngay từ tâm lý thi đấu ở các môn thể thao khác, có thể thấy chúng ta cần những chuyên gia phục hồi, chuyên gia tâm lý để giúp các VĐV vượt qua chính mình, như đúng tinh thần Olympic – thay vì những “chuyên gia chính sách”, đi “nghỉ dưỡng” theo đoàn, với 23 VĐV nhưng có tổng cộng 57 thành viên tới Rio năm nay của thể thao nước nhà./.