Ngay với môn bắn súng hay nhiều môn thể thao khác, nếu không có những bước đầu tư chiến lược, đúng đắn, có trọng điểm, thành tích HCV tại Olympic lần này sẽ rất khó có thể duy trì ở kỳ Thế vận hội lần sau.
Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, Tổng cục TDTT nhận xét về khả năng giành huy chương của Đoàn TTVN tại Rio 2016: “Theo quan điểm suy nghĩ của cá nhân tôi và quan điểm đó có thể đúng hoặc sai, thì tôi cho rằng ở cử tạ và bắn súng, chúng ta có khả năng giành huy chương, còn các môn khác cũng chỉ đến đó (Olympic 2016) để tham dự và nâng cao trình độ của mình thôi”. Thực tế diễn biến thi đấu của hầu hết VĐV Việt Nam đang có mặt tại Olympic lần này đang chứng minh nhận xét đó là đúng đắn.
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành HCV quý giá cho đoàn Thể thao Việt Nam. (Ảnh: Getty) |
Đây là điều mà chính nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh từng trải nghiệm: “Đây là lần thi đấu ý nghĩa nhất với tôi. Nó không chỉ là sự gay cấn của vòng chung kết mà là cả quá trình tôi đã thi đấu, rèn luyện, tích lũy và chia sẻ với những người thày, những người đã gắn bó cùng với tôi. Những loạt bắn cuối cùng thì thường rất là gay cấn. Lúc đó, tôi chỉ có 1 tâm niệm là những lúc nào khó khăn nhất thì phải mạnh mẽ nhất, có nghĩa là mình phải trấn tĩnh lại, hít thở sâu, lấy cảm giác mới, tự tin hơn, chiến thắng chính mình”.
Bà Nguyễn Thị Nhung, HLV trưởng đội tuyển bắn súng Việt Nam, gắn bó với Hoàng Xuân Vinh trong suốt gần 10 năm thi đấu quốc tế nhớ lại: “Những viên đạn cuối cùng của Hoàng Xuân Vinh là vô cùng khó khăn, khi mà đứng trên bảng tổng sắp cuối cùng. Bản thân chúng tôi, những người HLV, ngồi ngoài cũng rất kỳ vọng. Tôi biết là cả đoàn đều mong chờ Xuân Vinh mang về một tấm huy chương cho Việt Nam. Đó thực sự là điều rất vinh dự. Nhưng thực sự, tôi nghĩ là vẫn có gì đó một chút không may mắn, mà chúng ta không đạt được. Đến khi Xuân Vinh bắn xong những viên đạn cuối thì tôi cảm thấy vô cùng hối tiếc vì đã không thể giành được huy chương”.
4 năm về trước, khi Đoàn TTVN đến London 2012 và chỉ còn trông chờ duy nhất vào Hoàng Xuân Vinh để giành huy chương, xạ thủ kỳ cựu của chúng ta đã tiến rất gần tới cơ hội thực hiện được mục tiêu, để rồi thất bại trong gang tấc. Bà Nguyễn Thị Nhung chia sẻ: “Đối với các cuộc thi đấu lớn, tính chất của nó rất căng thẳng, đòi hỏi VĐV phải bình tĩnh, nghiêm túc trong quá trình tập luyện. Khi Vinh mới bắt đầu bước vào các giải châu Á và thế giới thì em xuất hiện trạng thái tâm lý. Chuyện đó rất bình thường đối với VĐV. Nhưng Vinh đã hiểu được rằng nếu chúng ta không thoát được sức ỳ bản thân, để cho những nỗi lo sợ đè nén bản thân chúng ta thì sẽ không bao giờ thực hiện được các động tác kỹ thuật chuẩn xác”.
Sau Hoàng Xuân Vinh, sẽ khó còn VĐV Việt Nam nào có khả năng tranh chấp huy chương. (Ảnh: Getty) |
Lý do cho việc VĐV chúng ta phải chịu áp lực tâm lý lớn có thể được giải thích là vì: 1- Áp lực thành tích đối với đoàn thể thao; 2- Áp lực do chính bản thân tạo ra; 3- Áp lực từ việc thiếu điều kiện làm quen với phương tiện, dụng cụ thi đấu; 4- Áp lực từ hạn chế về số cơ hội thi đấu, tập huấn quốc tế để nâng cao bản lĩnh thi đấu trong những thời khắc quyết định. Thực tế cho thấy, nhiều VĐV Việt Nam được kỳ vọng giành huy chương đã không thể vượt qua được sức ép tâm lý, dẫn tới việc thi đấu không thành công.
Để giúp mọi người có thể hình dung rõ hơn về sự chênh lệch trình độ, cũng như mức độ dạn dày tâm lý, xin được trích dẫn chính phát biểu rất thẳng thắn của chính người đã huấn luyện cho nhà vô địch Olympic Việt Nam - HLV Nguyễn Thị Nhung: “Bắn súng của chúng ta hiện nay mới chỉ đứng ở mức 30% khả năng chiến thắng, 70% chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn, chứ không phải là chúng ta đến Olympic ở phương diện trên cơ so với các VĐV khác”.
Những hình ảnh đẹp nhất trong ngày thi đấu thứ 3 Olympic Rio
Nó có nghĩa là Đoàn TTVN vẫn phải trông chờ vào nỗ lực vượt qua trở ngại tâm lý của VĐV, trông chờ vào khoảnh khắc xuất thần cá nhân, thay vì khẳng định khả năng giành huy chương bằng trình độ, không quan tâm tới yếu tố tâm lý.
Bản thân HLV Nguyễn Thị Nhung cách đây 1 năm cũng từng thừa nhận “Chúng ta mới chỉ có Xuân Vinh, Quốc Cường nằm trong tốp 10 VĐV hàng đầu thế giới, còn lại thì cần có thêm thời gian, tức là từ 3- 4 năm nữa mới có thể đào tạo được 1 VĐV tầm thế giới”, cũng như đội tuyển bắn súng vẫn “hy vọng có thêm 1-2 suất tham dự Olympic” nhưng thực tế là không thành công.
Điều đó dẫn đến câu hỏi: Sau Xuân Vinh, ai sẽ là người cáng đáng sứ mệnh tiếp tục giành HCV cho thể thao Việt Nam, ở môn bắn súng nói riêng và các đội tuyển thể thao nói chung?./.