Nữ hoàng lên đỉnh

Môn thể thao được xem là ở ngôi Hậu, sau bóng đá - điền kinh đã có kỳ SEA Games thành công chói lọi. Lần đầu tiên trong lịch sử tham dự các kỳ đại hội, điền kinh Việt Nam thắng lớn với 17 HCV, gần gấp đôi Thái Lan, bỏ xa các đối thủ còn lại trong khu vực.

Trưởng đoàn Trần Đức Phấn khẳng định, Thái Lan mang tới lực lượng mạnh nhất chứ không phải tham dự với các VĐV trẻ, vì thế mà thành tích của điền kinh Việt Nam là hoàn thoàn đúng thực lực, những chiến thắng đều rất ý nghĩa.

le_tu_chinh_kuzw.jpg
Điền kinh Việt Nam thành công rực rỡ tại SEA Games 29.

Đó là sự toả sáng ở các nội dung chạy ngắn 100m, 200m của “Nữ hoàng điền kinh” mới Lê Tú Chinh, hay sự khẳng định sự thống trị ở 3 nội dung 400m, 400m rào và 4x400 tiếp sức.

Cũng không thể không nhắc tới những thành tích ấn tượng ở cự ly trung bình, 5.000m, nhảy cao, nhảy xa, nhảy 3 bước và đặc biệt là tấm HCV lịch sử của đội tiếp sức 4x100 nữ, khi lần đầu tiên đánh bại Thái Lan để phá kỷ lục SEA Games.

Vẫn còn chút gì đó tiếc nuối khi Phan Thị Bích Hà rồi Nguyễn Thành Ngưng bị đối thủ “cướp” HCV hay vinh quang ở môn đi bộ 10.000m, hay sự vô duyên đến khó hiểu với tấm HCV SEA Games của Quách Công Lịch, nhưng với 17 HCV, 11 HCB, 6 HCĐ, điền kinh Việt Nam đã có một kỳ SEA Games thành công mỹ mãn.

Dấu ấn các môn Olympic

Gạt sang một bên thất bại tủi hổ bị loại từ vòng bảng của ĐT U22 Việt Nam và sự sa sút khó hiểu của nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh ở môn bắn súng, bắn cung và phần nào đó là taekwondo, thì hầu hết các môn thi đấu của Việt Nam, đặc biệt là những môn Olympic đều đã ghi dấu ấn của mình ở đấu trường khu vực.

Ở đội tuyển bơi, dù Ánh Viên không hoàn thành chỉ tiêu 10 HCV, nhưng kình ngư vàng người Cần Thơ vẫn giành tới 8 HCV, phá 3 kỷ lục SEA Games.

Ở những môn Olympic khác, ngoài điền kinh lần đầu thống trị khu vực, TDDC nam cũng gom 5/7 HCV ở của đại hội, bóng bàn vượt qua Singapore để vô địch đồng đội nam, hay tấm HCV, phá kỷ lục ngoạn mục của Văn Vinh ở môn cử tạ (đánh bại đối thủ đang là Á quân Olympic), còn đấu kiếm cũng đã không có đối thủ ở những nội dung thế mạnh.

Nữ hoàng điền kinh mới Lê Tú Chinh là gương mặt trẻ đầy triển vọng của thể thao thành tích cao Việt Nam.

Điều đáng nói là, ở SEA Games 29, Đoàn TTVN đã trình làng rất nhiều gương mặt trẻ. Không ai có thể ngờ VĐV mới 15 tuổi như Nguyễn Hữu Kim Sơn lại giành HCV, phá kỷ lục ở nội dung khó của môn bơi là 400m hỗn hợp. Người hơn Kim Sơn 2 tuổi là Nguyễn Huy Hoàng cũng làm được điều tương tự ở 1.500m tự do.

Ở môn điền kinh, sự xuất sắc của gương mặt trẻ Lê Tú Chinh đã mang về 3 tấm HCV, trong đó có một kỷ lục SEA Games và có lẽ cũng là một trong những tấm HCV quý giá nhất ở đường chạy 4x100m tiếp sức nữ, khi lần đầu vượt qua sự thống trị của Thái Lan để phá kỷ lục đại hội.

Kình ngư trẻ tuổi Nguyễn Hữu Kim Sơn giành HCV và phá kỷ lục SEA Games ngay lần đầu tiên tham dự đại hội.

Vẫn còn nhiều những gương mặt xuất sắc của thể thao Việt Nam tại SEA Games 29, nói như trưởng đoàn Trần Đức Phấn, thì ngay cả các VĐV giành HCB, HCĐ hay vượt lên chính mình, đều rất đáng được trân trọng.

Dệt "mộng vàng" ở ASIAD

Thực tế mà nói, SEA Games vẫn chỉ là sân chơi khu vực. Tuy nhiên, đây là bước chạy đà hoàn hảo của Đoàn TTVN để hướng tới kỳ ASIAD sang năm ở Indonesia.

Chia sẻ với báo chí trước thời điểm SEA Games 29 khép lại bằng lễ bế mạc, trưởng đoàn Trần Đức Phấn nhấn mạnh: “Chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ. Cá nhân tôi cho rằng thứ 3 hay thứ 4 không quan trọng với TTVN lúc này, vì chúng ta mong muốn những đấu trường lớn hơn như ASIAD hay Olympic. Chúng tôi lấy ASIAD làm trọng tâm để quay quanh trục SEA Games".

Vị Trưởng đoàn Đoàn TTVN tại SEA Games này cũng thận trọng khi chia sẻ về việc dệt "mộng vàng" ở ASIAD sắp tới, với mục tiêu 3-4 HCV. Trong hai kỳ ASIAD gần nhất, Đoàn TTVN chỉ giành được 1 HCV.

Và tất cả đang chờ đợi sức bật từ bước chạy đà hoàn hảo ở SEA Games 29, sẽ giúp thể thao Việt Nam cải thiện được thành tích ở đấu trường châu lục./.