Phó chủ tịch FIFA cùng 5 quan chức cao cấp bị bắt vì nhận hối lộ
Tuy nhiên, sự thật liệu có phải như vậy khi mà những hoạt động mang tính ‘càn quét’ với các quan chức FIFA chỉ thường diễn ra khi sắp đến thời điểm bầu cử nhiệm kỳ mới cho chức chủ tịch.
Dưới đây, chúng tôi điểm lại những bê bối lớn nhất của FIFA dưới thời của Chủ tịch Blatter từ năm 1998 đến nay.
1. Bầu cử Chủ tịch FIFA 1998
Vào thời điểm năm 1998, Chủ tịch FIFA khi ấy là ông Joao Havelange đã 82 tuổi và ông chấp nhận rút lui sau 24 năm tại vị để nhường chỗ cho những ứng viên trẻ tuổi hơn. Hai ứng viên sáng giá nhất cho chiếc ghế chủ tịch mới của FIFA vào thời điểm đó là Sepp Blatter (Tổng thư ký FIFA) và Lennart Johansson (Chủ tịch UEFA)
Ông Blatter đã làm Chủ tịch FIFA gần 20 năm (Ảnh: Getty) |
Trước khi cuộc bầu cử diễn ra, ai cũng nghĩ chủ tịch UEFA sẽ chiến thắng bởi ông nhận được sự ủng hộ của phần lớn quan chức FIFA. Nhưng chỉ với sự ủng hộ của cựu chủ tịch Joao Havelange cùng với những lá phiếu mờ ám từ các đại diện Châu Phi, ông Sepp Blatter đã giành chiến thắng vào phút chót và tại vị đến tận bây giờ.
Sau này, đã có những thông tin cho rằng, các quan chức đến từ Châu Phi đã nhận được 50.000 USD cho một lá phiếu ủng hộ Blatter ở thời điểm đó.
2. Lựa chọn Qatar là chủ nhà của World Cup 2022
Ngày 2/2 năm 2010, FIFA tuyên bố Qatar là chủ nhà của World Cup 2022 trong sự ngỡ ngàng của khá nhiều người bởi đất nước Trung Đông này không hề có nền bóng đá mạnh trong khi điều kiện thời tiết lại khắc nghiệt hơn nhiều so với các ứng viên đăng cai khác.
Chủ tịch FIFA phủ nhận tin đồn Qatar hối lộ
Theo một số tiết lộ từ tờ Sunday Times (Anh), các thành viên của hội đồng điều hành FIFA bị nghi ngờ là đã bị mua chuộc khi biểu quyết. 2 thành viên của hội đồng điều hành này, đại diện cho Tahiti và Nigeria, dạm bán phiếu biểu quyết nơi tổ chức World Cup 2022.
Tờ Sunday Times còn khẳng định, họ có bằng chứng cụ thể về việc đã có cả triệu USD được chi ra để đối lấy những lá phiếu ủng hộ Qatar.
3. Bầu cử Chủ tịch FIFA 2011
Năm 2011, cả thế giới bóng đá tỏ ra không mấy hài lòng khi chứng kiến Sepp Blatter ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa cho chiếc ghế chủ tịch FIFA. Nhiệm vụ kết thúc ‘kỷ nguyên Blatter’ khi ấy được trao cho Mohammed bin Hammam – chủ tịch AFC.
Mohammed bin Hammam - một trong những 'nạn nhân' của 'đế chế' Blatter (Ảnh: AFP) |
Ông bin Hammam đã rất tự tin vào việc sẽ thắng cử và thậm chí ông còn có những động thái phanh phui những câu chuyện hậu trường liên quan đến ông Blatter. Tuy nhiên, khi chiếc ghế của bản thân bị đe dọa, người đàn ông Thụy Sĩ đã nhanh chóng tung đòn” thông tin ra hạ gục đối thủ một cách chóng vánh.
Kết quả là ông bin Hammam bị cáo buộc đã dùng tiền tỷ đô la mua phiếu bầu để Qatar giành được quyền đăng cai World Cup 2022 và sau đó ông này còn bị cấm tham gia các hoạt động bóng đá vĩnh viễn.
4. Bán vé lậu tại các kỳ World Cup
Hoạt động bán vé lậu là một vấn đề nan giải trong các kỳ World Cup và nó có vẻ như càng ngày càng phát triển dưới triều đại của chủ tịch Blatter.
Những quan chức của FIFA, những người chịu trách nhiệm về bán vé ở mỗi kỳ World Cup thường được cấp cho những loại thẻ để được tự do đi lại trong các khu vực của ban tổ chức.
Từ đó, những người này có thể dễ dàng tuồn vé ra thị trường chợ đen để bán kiếm lời với những mức giá cao gấp nhiều lần mức giá gốc. Nhân vật cấp cao nhất bị cáo buộc tuồn vé ra thị trường chợ đen là cựu Phó Chủ tịch FIFA Jack Warner. Cũng chính vì những cáo buộc này mà ông Warner đã phải từ chức.
5. Nhận hối lộ từ công ty ISL
Công ty tiếp thị thể thao ISL là một trong những đối tác quan trọng của FIFA trong những bản hợp đồng thương mại, quảng cáo, đặc biệt là ở giai đoạn đầu nhiệm kỳ mà Blatter mới lên nhậm chức chủ tịch FIFA lần đầu tiên.
Bản báo cáo do Hans-Joachim Eckert, Chủ tịch Ban Đạo đức của FIFA thực hiện sau một cuộc điều tra do trưởng ủy ban điều tra Michael Garcia tiến hành, xác nhận ISL đã hối lộ một cách có hệ thống các quan chức thể thao giai đoạn từ năm 1992 tới tháng 5/2000, trong đó Cựu chủ tịch Havelange trực tiếp nhận 1 triệu bảng thông qua danh nghĩa FIFA dưới sự đồng ý của ông Blatter. Công ty này sau đó giải thể với các khoản nợ 300 triệu USD năm 2001
Sau đó, vào năm 2004, những kết luận của ban đạo đức FIFA cũng chỉ đưa ra là không có ai phạm luật trong những vụ việc liên quan đến công ty ISL và hành vi của chủ tịch Blatter chỉ là hành vi vụng về và ‘không cố ý làm sai’ mà thôi. /.