Từ chuyện hội nhập

Năm 1989, khi SEA Games 15 diễn ra tại Kuala Lampur (Malaysia), đoàn TTVN tham dự chỉ với 8 môn giành được 3 HCV, 11HCB và 5HCĐ xếp thứ 7/9 toàn đoàn. Theo lời kể của ông Hoàng Vĩnh Giang thì khi đó thậm chí chúng ta còn không mang theo hy vọng có huy chương và khi đoàn TTVN bất ngờ có được tấm HCV thì còn không mang theo nhạc Quốc thiều. Chính vì thế ông Giang và mọi người trong đoàn đã đứng lên để tự hát Quốc ca. Thành tích ở kỳ SEA Games đầu tiên là khiêm tốn nhưng chừng đó cũng đủ để người hâm mộ nước nhà sung sướng.

Sau lần đầu tiên đó, TTVN đã có quá trình chuẩn bị nghiêm túc với chiến lược “đi tắt – đón đầu” để có thể khẳng định được vị thế của mình tại kỳ đại hội lớn nhất khu vực. Khi đó, TTVN đầu tư mạnh vào tất cả những môn có hy vọng tranh chấp huy chương, đó là những môn võ khu vực như Silad, Wushu… ở thời điểm đó những môn Olympic như điền kinh, bơi lội, cử tạ… chúng ta vẫn chưa có cửa để giành vàng.

Chiến lược “đi tắt – đón đầu” trong những năm đó đã giúp TTVN gặt hái được quả ngọt. Tại SEA Games năm 1993 ở Singapore, chúng ta có được 9 HCV, tới năm 1997 tại Indonesia, con số này tăng lên gấp hơn 3 lần là 35 và lần đầu tiên TTVN đứng trong top 5 khu vực.

19 năm sau ngày tham dự SEA Games đầu tiên, TTVN đã đạt một đỉnh cao mới đó là vào năm 2003 tại Hà Nội, chúng ta đã đứng đầu toàn đoàn và kể từ đó tới nay, chưa bao giờ TTVN không lọt được vào top 3 toàn đoàn.

Nhưng top 3 có ý nghĩa gì?

SEA Games từ trước tới nay vẫn được coi là đấu trường quan trọng nhất của TTVN. Chúng ta đầu tư rất mạnh cho SEA Games và tính sơ sơ, mỗi tấm HCV tại SEA Games 27 tiêu tốn tới 700 triệu đồng. Nhưng những chiếc HCV này hoàn toàn không có ý nghĩa đo đếm về sức mạnh của nền thể thao nước nhà. Ai cũng biết thành tích kinh ngạc của Myanmar tại SEA Games vừa rồi là do sự ưu ái của các trọng tài cũng như các môn mang tính thiếu đại chúng.

Xét cho cùng, trên đấu trường SEA Games, chúng ta chỉ thua kém Thái Lan nhưng ở các sân chơi lớn hơn, chúng ta lại cực kỳ chật vật để giành huy chương trong khi người Thái liên tục có mặt trong top 10 châu lục và cả những tấm huy chương vàng Olympic.

Tại Asiad Quảng Châu 2010, TTVN phải chờ đợi quá nhiều để vỡ oà với chiếc HCV của Bích Phương môn karatedo, chiếc huy chương đó giúp chúng ta thoát cảnh “trắng vàng” nhưng năm đó, TTVN xếp hạng 23 trong  tổng số 45 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi đó, nhìn sang nước láng giềng Thái Lan hay Malaysia, số lượng HCV lên tới chục chiếc.

unnamed_ad827.jpg
Nguyễn Văn Lai "vô đối" tại SEA Games nhưng tới Asiad còn quá xa.

Không chỉ vậy, thành tích của các niềm hy vọng vàng của TTVN mỗi lần ra Asiad đều rất chênh vênh. Ví dụ “Nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương không có đối thủ tại SEA Games khi giành cả HCV ở nội dung 100m và 200m. Thành tích của cô là 11s6 nhưng tại Asiad, các VĐV Trung Quốc, Nhật Bản đều có thành tích 11’’4. Tương tự, Nguyễn Văn Lai, người không có đối thủ ở khu vực tại nội dung 5.000m và 10.000m nam, nhưng ra đến Asiad thì hoàn toàn không có “cửa”. Thành tích tốt nhất của Lai là 29 phút 44 giây 82 ở nội dung 10.000m nhưng nếu muốn cạnh tranh ở Asiad anh phải chạy dưới 29 phút.

Đó mới chỉ là Asiad, còn tại Olympic, kể từ khi tham gia vào năm 1980, 33 năm đã trôi qua nhưng TTVN mới có vỏn vẹn được 2 tấm HCB vào năm 2000 và 2008. Điều đó cho thấy, khoảng cách giữa SEA Games, Asiad, Olympic là rất rất xa và chúng ta chưa thoát ra được tầm khu vực.

Làm sao để TTVN có thể bứt ra khỏi tầm khu vực, đó là bài toán cần giải vào lúc này. Bản chiến lược chủ yếu và việc xác định hướng đi của các môn thể thao thành tích cao và được xác định là bước chuyển mang tính căn bản cho TTVN trong định hướng phát triển của mình. Theo đó, SEA Games sẽ không còn là đấu trường quốc tế quan trọng nhất với TTVN nữa, mà cần phải hướng cái đích ra xa hơn là Asiad hay Olympic. SEA Games giờ đây chỉ được xác định như một bàn đạp để tấn công Asiad, Olympic. Hy vọng điều đó sẽ trở thành sự thật chứ đừng giống gần đây, chúng ta cứ phải hài lòng với những niềm vui ngắn chẳng tày gang ở sân chơi khu vực./.