Trong ngôi nhà của vận động viên Lê Văn Công ở xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An tràn đầy niềm hạnh phúc. Ngôi nhà trang trí đơn giản, bao bằng khen, huy chương của vận động viên Lê Văn Công, anh đều cất hết chứ không trưng ra.
Chị Chu Thị Tám luôn là người động viên anh Lê Văn Công mỗi lúc anh gặp khó khăn.
Vợ anh Công là chị Chu Thị Tám tươi cười cho biết mình vui đến không ngủ được với thành tích của chồng. Chị Tám cho biết lúc đó mình đang theo dõi chồng thi đấu cùng mẹ ruột ở ngoài hiên bởi 2 con đang ngủ.
Bằng chiếc điện thoại và xài ké bằng wifi của một quán cà phê gần đó, sự chập chờn của nó không đủ để ngăn cản người vợ ở quê nhà dõi theo người chồng thi đấu.
Khoảnh khắc lực sỹ Lê Văn Công vượt qua mức tạ 181 Kg để giành huy chương vàng, cảm xúc trong chị trào dâng nhưng phải cố kìm nén không la lớn bởi sợ ảnh hưởng đến hàng xóm.
Trước đó dù anh Công gặp khó khăn ở mức tạ 179 Kg nhưng niềm tin của người vợ không hề suy suyễn. Chị Chu Thị Tám nói: “Cũng hơi hồi hộp, nhưng mà cũng biết tính anh ấy, biết nghị lực của anh ấy, biết năng lực anh ấy thì tin anh ấy sẽ nâng lên được. Nghị lực của anh dữ lắm nhưng mà ít nói”.
Lê Văn Công ( VĐV ngồi xe lăn thứ ba từ bên trái) trong lễ xuất quân tham dự thế vận hội thể thao khuyết tật. |
Sẽ càng phải khâm phục Lê Văn Công hơn nữa nếu biết rằng anh đang thi đấu với vết đau trên vai mà trước khi lên đường thi đấu, anh vẫn phải dán thuốc giảm đau…theo tiết lộ của vợ.
Chị Tám còn cho biết thêm, vận động viên này cũng phải vượt qua những trở ngại khác như khác biệt múi giờ dẫn đến khó ngủ, sức khỏe có ảnh hưởng. Nhưng sự động viên từ quê nhà đã như tiếp thêm sức mạnh cho Lê Văn Công vượt qua những trở ngại để lập nên kì tích.
Hằng ngày hai vợ chồng vẫn gọi điện, liên lạc để hỏi thăm, động viên nhau qua internet. Nội dung cuộc trò chuyện vẫn chủ yếu là hỏi thăm sức khỏe, anh Công ít khi nói về mình, ít khi nói về những khó khăn trong công tác chuẩn bị, có lẽ do anh sợ mọi người lo lắng.
Ngay cả cuộc gọi sau khi đã trở thành vận động viên vô địch Paralympic, phá kỷ lục thế giới thì nội dung trò chuyện của người chồng ở tận Brazil xa xôi với người vợ ở quê nhà vẫn chỉ là những lời hỏi thăm trìu mến giản dị chứ ít nhắc đến kì tích vừa lập.
Căn nhà đơn xơ của đô cử Lê Văn Công ở xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. |
Chiếc huy chương vàng lịch sử của Lê Văn Công đã mang lại niềm vui lớn cho tất cả những ai quan tâm đến thể thao nước nhà. Ông Mai Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ông quá xúc động và vui sướng trước chiến tích này.
Đây là thành quả của một quá trình chuẩn bị lâu dài của các vận động viên, huấn luyện viên, các nhà quản lí…Thành tích này chắc chắn sẽ là động lực để các vận động viên tiếp theo của đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đang thi đấu tại Rio, Brazil cố gắng.
Nó còn là nguồn động viên lớn để kích thích phong trào luyện tập thể dục thể thao nước nhà. Ông Mai Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh nói: “Cá nhân tôi và một số anh em làm thể thao rất xúc động và vui sướng. Em Công có nỗ lực rất tuyệt vời và là tấm gương sáng cho những ai luyện tập thể dục thể thao noi theo”.
“Tôi vẫn hy vọng là các em còn lại trong đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp thêm những thành tích”, ông Hùng chia sẻ thêm.
Tiêu điểm thể thao: Toàn cảnh chiến thắng lịch sử của Lê Văn Công
Đây là tấm huy chương vàng đầu tiên của thể thao Việt Nam tại các kỳ Thế vận hội dành cho người khuyết tật (Paralympics), kể từ khi bắt đầu tham dự năm 2000 đến nay.
Kì diệu hơn khi thành tích của Lê Văn Công đã phá kỷ lục thế giới và kỷ lục Paralympic. Nỗ lực của Lê Văn Công là phi thường và anh đã giữ được lời hứa ngắn gọn khi được hỏi về mục tiêu đặt ra trước khi lên đường.
“Chúng tôi xin hứa sẽ cố gắng phấn đấu hết bản thân mình vì màu cờ sắc áo và vì vinh dự của Tổ quốc”, đô cử Lê Văn Công chia sẻ.
Xin chúc mừng anh! Người đã vinh danh thể thao Việt Nam trên đấu trường thế giới./.