Từ chỉ tiêu khiêm tốn…

Ở Việt Nam, đấu kiếm vẫn là môn thể thao khá non trẻ với việc bắt đầu phát triển từ SEA Games 22, năm 2003. Tuy nhiên, ngay từ khi hội nhập, đấu kiếm VN đã khẳng định được vị thế của mình ở nội dung kiếm chém với việc Nguyễn Thị Lệ Dung không có đối thủ với việc giành 8 HCV trong 5 kỳ Đại hội, từ 2003, 2005, 2007, 2011 và 2015 (SEA Games 2009 và 2013 không tổ chức đấu kiếm).

kiem2_givs.jpg
Đấu kiếm VN đã có kỳ SEA Games thành công ngoài mong đợi (Ảnh: Ngọc Duy)

Cùng với sự tiến bộ vượt bậc của các VĐV trẻ đầy hứa hẹn sau khi được đào tạo bài bản cũng như tham dự thi đấu cọ xát ở các giải quốc tế trên thế giới, đấu kiếm được giới chuyên môn dự đoán sẽ là “mỏ vàng” của Đoàn TTVN tại SEA Games lần này.

Tuy nhiên, để giảm tải áp lực cho các kiếm thủ, Ban lãnh đạo bộ môn đặt chỉ tiêu hết sức khiêm tốn, giành 4-5 HCV (ngang với thành tích tại Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á gần nhất tham dự). Điều này giúp các kiếm thủ được thoải mái về tâm lý và thi đấu đầy quyết tâm, từ việc đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu cho tới bùng nổ và trở thành số 1 trên bảng vàng thành tích ở khu vực.

Thực tế, ngay trong hai ngày thi đấu đầu tiên, đấu kiếm VN liên tục “gặt vàng” ở các nội dung cá nhân với sự xuất sắc của Tiến Nhật (kiếm ba cạnh), Thành An (kiếm chém) hay các kiếm thủ nữ là Lệ Dung (kiếm chém) và Trần Thị Len (ba cạnh), trước khi tiếp tục “thống trị” các nội dung đồng đội nam và nữ.

Đấu kiếm VN "thống trị" các nội dung cá nhân và đồng đội kiếm ba cạnh và kiếm chém tại Đại hội (Ảnh: Ngọc Duy)

“Có thể nói ĐT đấu kiếm VN đã thi đấu hết sức thành công. Việc chúng ta giành 8 HCV đã khẳng định vị trí số một vững chắc ở đấu trường Đông Nam Á”, trưởng bộ môn đấu kiếm Tổng cục TDTT Phùng Lê Quang nói.

…tới nỗ lực phi thường

HCV là thành quả xứng đáng nhất cho quyết tâm, nỗ lực thi đấu phi thường của các kiếm thủ tại SEA Games 28 lần này. Điều này được thể hiện rõ nét từ những cá nhân như Trần Thị Len chiến thắng bệnh tật để mang vinh quang về cho Tổ quốc, hay trường hợp của VĐV trẻ tuổi, sinh năm 1997 đã vượt qua mọi thử thách để giành tấm HCB nội dung kiếm liễu nam, mở ra “lứa” tài năng đầy hứa hẹn kế cận cho đấu kiếm VN.

Những cá nhân xuất sắc đó đã làm nên một tập thể vững mạnh và đoàn kết vượt khó. Ở trận chung kết nội dung kiếm ba cạnh và kiếm chém đồng đội nam, các kiếm thủ VN đã xuất sắc vượt qua đội chủ nhà Singapore đầy kịch tính để giành tấm HCV đầy ý nghĩa.

Trần Thị Len (thứ 3 từ phải vào) đã chiến thắng bệnh tật để mang vinh quang về cho Tổ quốc (Ảnh: Ngọc Duy)

“Tôi nghĩ thành quả này là hoàn toàn xứng đáng với ĐT đấu kiếm VN bởi tôi và các đồng đội đã nỗ lực hết mình trong tập luyện và thi đấu. Nếu không đủ khao khát và quyết tâm, thật sự rất khó có thể vượt qua đội chủ nhà bởi họ quá mạnh”, Tiến Nhật chia sẻ cùng PV VOV.VN.

Bên cạnh sự “độc tôn” của Lệ Dung ở nội dung kiếm chém nữ, người hâm mộ còn hết sức ấn tượng với màn trình diễn của bà mẹ một con Trần Thị Len, VĐV vừa trải qua ca phẫu thuật u nang buồng trứng cách đây 4 tháng và vẫn đang vật lộn với căn bệnh viêm phổi mãn tính hàng ngày.

Sự mệt mỏi thể hiện rõ trong ngày thi đấu cuối cùng khi kiếm thủ người Hải Dương không có phong độ tốt nhất nhưng vẫn nỗ lực đóng góp hết sức mình để đấu kiếm VN có thêm tấm HCV nội dung kiếm ba cạnh đồng đội nữ.

“Tôi luôn nỗ lực hết mình mỗi khi bước vào thi đấu. Tôi không có bí quyết gì vì để chiến thắng bệnh tật cũng như vượt qua chính mình, chúng ta cần phải có lòng quyết tâm và nỗ lực”, Trần Thị Len cho biết.

Hy vọng niềm vui chiến thắng này sẽ tiếp tục ở giải VĐ châu Á sắp tới và xa hơn nữa là Olympic với ĐT đấu kiếm VN (Ảnh: Ngọc Duy)

Hướng tới ASIAD và Olympic

Sau SEA Games đấu kiếm còn dự giải VĐ châu Á, giải VĐ thế giới và phấn đấu đạt chuẩn dự Olympic 2016. Trưởng bộ môn Phùng Lê Quang cũng nhận định giờ là lúc ĐT đấu kiếm VN tập trung hướng tới châu lục và thế giới.

Thành công vang dội ở Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á lần thứ 28 này chắc chắn sẽ là “bệ phóng” vững chắc để các kiếm thủ tự tin hướng tới các tấm huy chương tại giải VĐ châu Á và xa hơn nữa là chuẩn Olympic./.