Cơ duyên từ Judo đến Kurash của cô nàng 21 tuổi

Trong số 11 HCV mà Thể thao Việt Nam giành tại AIMAG 5 tính đến thời điểm này, có lẽ bất ngờ nhất là tấm HCV ở môn Kurash hạng cân trên 87kg của võ sĩ Thanh Thủy. Khi phải đối đầu với hai võ sĩ mạnh của nước chủ nhà Turkmenistan ở bán kết và chung kết, không ai nghĩ Thủy sẽ “vượt ải” thành công bởi Turkmenistan là nơi sản sinh ra môn Kurash.

Người dân của nước chủ nhà tập Kurash từ bé. Thêm vào đó là không ít lần xử ép của BTC nhằm “gom huy chương vàng” cho Turkmenistan. Cơ hội của Thanh Thủy tưởng như rất nhỏ nhưng cô đã khiến cho cả Aliyewa Lelya và Dmitriyewa Anna “lấm lưng trắng bụng”, giành HCV một cách khó tin cho đoàn Thể thao Việt Nam.

mon_kurash_uywg.jpg
Thanh Thủy đến với môn Kurash từ niềm đam mê Judo. (Ảnh: Trọng Phú)

Kurash hiện nay vẫn còn là một môn thể thao khá lạ lẫm với người dân Việt Nam. Theo HLV Judo Nguyễn Quốc Trung giải thích thì môn Kurash gần giống như Judo nhưng chỉ đánh ở phần thân trên. Do đó, môn này sẽ thích hợp cho các võ sĩ có đôi tay mạnh mẽ và sử dụng nhuần nhuyễn sức mạnh cánh tay.

“Cái duyên” Kurash đến với Thanh Thủy một cách hết sức tình cờ. Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, Thủy tiết lộ: “Năm 2015, em cùng hai thầy là HLV Đỗ Ngọc Hùng và HLV Nguyễn Tuấn Ngọc đi đánh giải trẻ châu Á ở Đài Loan. Khi đấy em vẫn tập luyện và thi đấu ở môn Judo. Em phát hiện môn Kurash có nhiều điểm tương đồng với Judo và rất thích hợp với mình.

Trong môn Judo có hai kiểu tập đứng và tập đè. Em thì chỉ thích tập đứng, trong khi môn Kurash chủ yếu là các động tác đứng. Do đó, em cảm thấy rất hứng thú và đã tập luyện từ đó tới nay. Tính cả giải AIMAG 5 lần này, em đã thi đấu được 3 giải Kurash. Hiện nay, em vẫn tiến hành tập song song cả Judo và Kurash.”

"Cô nàng bé bự" và mục tiêu hướng tới Asiad

Tại Asiad 2018 diễn ra ở Indonesia, môn Kurash sẽ lần đầu tiên được đưa vào hệ thống thi đấu. Đây là cơ hội lớn với thể thao Việt Nam, khi chúng ta sở hữu một VĐV như Thanh Thủy, đã đánh bại hai võ sĩ hàng đầu của “lò Kurash” – Turkmenistan.

Thanh Thủy chia sẻ thêm: “Huy chương vàng lần này là động lực để em tập luyện và thi đấu trong các giải tiếp theo. Thực sự gặp các đối thủ Trung Á nhìn ai cũng ngại nhưng em nghĩ mình có đôi tay khỏe thì không có gì phải sợ. Em tự đặt mục tiêu là nỗ lực thi đấu trong từng trận, quan trọng là phải chơi hết mình.

Ở tuổi 21, Thanh Thủy còn rất nhiều cơ hội để khẳng định mình trên các đấu trường lớn. (Ảnh: Trọng Phú)

Hiện nay, thể thao Việt Nam vẫn chưa có đội tuyển Kurash. Nhưng nếu có cơ hội, em sẽ cố gắng để được tham dự Asiad. Hi vọng sẽ được tham dự ở đấu trường lớn như vậy và nếu may mắn góp mặt, em sẽ thi đấu hết mình”.

Hi vọng ở kì Asiad 2018 sắp tới, Thể thao Việt Nam lại một lần nữa được chứng kiến Thanh Thủy làm nên bất ngờ như cách cô đã từng khiến khán giả Turkmenistan phải “câm lặng” tại AIMAG 5. Ở tuổi 21, Thanh Thủy còn rất nhiều cơ hội để quốc ca Việt Nam vang lên tại các đấu trường lớn của thế giới./.