Dẫu mô hình bóng đá “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã và đang được khẳng định ở V League thì chuyển động tại sân Gò Đậu mùa giải vừa qua đã cho thấy: cách làm ấy chỉ phù hợp với những địa phương chưa thể rời khỏi “bầu sữa” bao cấp.
Cách đây chưa lâu, lãnh đạo Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã hé lộ thông tin: hết V League 2014 sẽ “trả” đội bóng về tỉnh Quảng Ninh. Trước thắc mắc của dư luận về sự tồn vong của “đội bóng đất Mỏ”, lãnh đạo bóng đá nơi đây đã công khai, rằng con đường đi của bóng đá Quảng Ninh sắp tới chính là những gì đang diễn ra ở đội bóng bên bờ sông Mã, tức quản lý, tổ chức đội bóng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
V.League 2014 B.Bình Dương đã bỏ ra cả trăm tỷ đồng để mua sắm cầu thủ.
Than Quảng Ninh không phải đội bóng đầu tiên và có lẽ cũng không phải đội bóng cuối cùng cử người vào xứ Thanh “tầm sư học đạo”. Trước TKV, những người đứng đầu Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam từng viện lý do kinh tế khó khăn để từ chối đồng hành và gắn tên với CLB Bóng đá Hải Phòng.Không còn cách nào khác, vài ba người còn tâm huyết, trách nhiệm với trái bòng tròn ở thành phố hoa phương đỏ đã “khăn gói quả mướp” vượt đèo Tam Điệp vào thụ giáo “thầy” Nguyễn Văn Đệ. Chẳng gì thì thực tiễn vài ba mùa bóng gần đây cũng cho thấy: mô hình tồn tại, hoạt động của CLB Bóng đá Thanh Hóa phù hợp với tình hình hiện tại của làng cầu nước nhà: vừa giúp đội bóng đứng vững trong thời buổi “thóc cao gạo kém”, vừa đảm bảo tính kế thừa, phát triển liên tục của một CLB.
Ấy thế nhưng, dẫu mô hình bóng đá “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã và đang được khẳng định ở V.League thì chuyển động tại sân Gò Đậu mùa giải vừa qua đã cho thấy: cách làm ấy chỉ phù hợp với những địa phương chưa thể rời khỏi “bầu sữa” bao cấp, còn một CLB muốn “xưng hùng xưng bá” phải “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” thực sự.
Kể từ sau chức vô địch gần nhất (năm 2008), đã 6 mùa giải trôi qua, V League 2014 là mùa bóng người Bình Dương mạnh mẽ bày tỏ tham vọng trở lại ngôi quán quân. Để hiện thực hóa điều này, Ban lãnh đạo đội bóng đã đổ vào thị trường chuyển nhượng cả trăm tỷ đồng để mua sắm cầu thủ và tiến hành một cuộc cách mạng trên băng ghế huấn luyện (HLV trưởng là hư danh, giám đốc kỹ thuật mới thực quyền). Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì đã và đang diễn ra với K.Kiên Giang năm 2013, Hùng Vương An Giang năm 2014 - hai đội bóng luôn “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”, nợ tiền lương, thưởng các cầu thủ. Rõ ràng, sự kiên trì, đầu tư tiền bạc “không mệt mỏi” của lãnh đạo tập đoàn Becamex (gắn tên với đội bóng đất Thủ) cũng như nhà tài phiệt Đỗ Quang Hiển (Hà Nội T&T) xứng đáng là “tấm gương” cho không ít ông bầu khi mới đến với sân cỏ thường không ngần ngại rao giảng về cái gọi là “tình yêu” và “sự chung thủy”… nhưng chỉ sau vài biến cố, đã chạy thục mạng thoát thân.
Cho nên, có thể nói, trên nhiều phương diện, con đường B.Bình Dương đến với vinh quang in đậm dấu ấn của… đồng tiền. Nền tảng tài chính vững mạnh giúp B.Bình Dương “ăn to, nói lớn” trên thị trường chuyển nhượng. Trong bối cảnh cả làng bóng lao đao vì cuộc khủng hoảng tài chính trên diện rộng, buộc các ông bầu, các nhà quản lý phải “thắt lưng buộc bụng” thì đội chủ sân Gò Đậu vẫn thoải mái “chi tiêu”.
Chỉ trong một thời gian ngắn, họ đã đưa về miền Đông Nam bộ những Abass Cheikh Dieng, Moses Oloya, Trọng Hoàng, Đình Luật, Phước Tứ, Tấn Tài…, toàn “hàng khủng” ở V.League. Bên cạnh những tên tuổi này là Quốc Thiện Esele, Kesley Huỳnh Alves, Đặng Văn Robert, Minh Đức, Anh Đức… Hiện tại, B.Bình Dương đã lên kế hoạch “nẫng” tiền đạo Công Vinh của Sông Lam Nghệ An để chuẩn bị cho mùa bóng 2015./.