Trong tuần vừa qua hai cái tên Ánh Viên và U19 Việt Nam đều khiến những người yêu thể thao nước nhà nức lòng. Trong khi Ánh Viên trở thành VĐV đầu tiên của Việt Nam giành HCV một kỳ Olympic dù chỉ là giải trẻ còn đội bóng đá U19 Việt Nam tuy chưa giành một thành tích cụ thể nào song cũng mang về cho người hâm mộ niềm tin vào một ngày tươi sáng của bóng đá Việt Nam.

Điểm chung của cả đội U19 Việt Nam và Nguyễn Thị Ánh Viên đều là những người rất trẻ, sinh năm 1995, 1996… và đều được đào tạo thể thao một cách khoa học, bài bản, đúng trọng tâm và dầy công phu. Đây là cách làm mà thể thao Việt Nam đang rất yếu và rất thiếu trong thời gian qua. Đáng mừng hơn, cả Ánh Viên lẫn đội U19 Việt Nam đều ở những môn được người hâm mộ quan tâm đó là bóng đá và bơi lội, môn cơ bản của Olympic.

untitled_1_jjhm.jpg 
Cả Ánh Viên lẫn U19 Việt Nam đều còn rất trẻ và là sản phẩm của sự đào tạo khoa học, bài bản.

Ánh Viên đang toả sáng đúng như niềm kỳ vọng của những nhà làm thể thao mà ở đây cụ thể là VASA (Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam). Nhận thấy tiềm năng của Viên, VASA đã đưa cô đi Mỹ để tập huấn. Cô gái sinh năm 1996 này được hưởng một chế độ ăn uống, tập luyện thuộc loại tốt nhất thế giới. Một mình cô có tận 3 HLV, 3 chuyên gia nước ngoài và 1 người Việt Nam. Chế độ dinh dưỡng của Ánh Viên tiếp cận tiêu chuẩn dành cho VĐV bơi vĩ đại nhất lịch sử Michael Phelps, bởi nó được chính các chuyên gia của Mỹ tư vấn dựa trên thực tế đặc điểm cơ thể, nhu cầu tập luyện thi đấu. 

Chính nhờ sự đầu tư có giá 1 năm khoảng 4 tỷ đồng đó, Ánh Viên được tiếp cận với thể thao hiện đại từ rất sớm, với khả năng của mình, cô gái 17 tuổi này dần chinh phục những nấc thang mới của đường đua xanh, 3 tấm HCV, phá hai kỷ lục SEA Games, nằm trong top 10 VĐV bơi xuất sắc nhất thế giới và mới đây là chiếc HCV Olympic trẻ lần đầu tiên.

Thành tích của Ánh Viên ở nội dung sở trường 400m hỗn hợp nữ tại giải Orlando (Mỹ) vừa qua là 4’41’’68 vẫn còn kém với thành tích của VĐV người Trung Quốc Yue Shiwen giành HCV Olympic London 2012. Nhưng chỉ trong 3 năm, Ánh Viên đã nâng thành tích của mình lên hơn 12s, như vậy niềm hy vọng vào một tấm huy chương tại Olympic Rio 2016 hay gần hơn là Asiad 17 tại Incheon (Hàn Quốc) sắp tới là hoàn toàn có cơ sở. Chưa hết, tại Olympic trẻ ở Nam Ninh, Ánh Viên còn tới 6 nội dung nữa chưa thi đấu.

Còn với các cầu thủ U19 Việt Nam mà nòng cốt là từ lò đào tạo JMG. Các em được học bóng đá một cách bài bản từ nhỏ. Ở JMG, các cầu thủ nhí không chỉ học mỗi bóng đá, các em còn được học văn hoá. Điều này sẽ giải đáp được câu hỏi, nếu về sau không đá bóng nữa thì sẽ làm gì?

Lứa cầu thủ U19 Việt Nam hiện tại chính là câu trả lời tốt nhất cho cách làm bóng đá trẻ của chúng ta hiện tại. Nhưng nền bóng đá Việt Nam cũng chỉ có đúng một lò JMG. Ở cấp độ vĩ mô, chúng ta chưa có một chiến lược đào tạo cầu thủ trẻ bài bản. Các nền bóng đá phát triển thường tổ chức các giải vô địch quốc gia trẻ dạng “League”, tức là đá lượt đi và về giống như các đội lớn và giải diễn ra suốt năm. Nhưng ở Việt Nam, các cầu thủ trẻ lại thường chỉ trông chờ vào giải vô địch quốc gia diễn ra chóng vánh trong vòng vài tuần hoặc cùng lắm là một tháng. Điều này khiến các cầu thủ trẻ không có được sự cọ sát cần thiết mỗi khi bước vào giải đấu lớn.

U19 Việt Nam và Ánh Viên là hai điểm sáng trong lòng người hâm mộ thể thao cả nước thời gian qua, nó cũng là tấm gương để phản ánh cách làm thể thao và công tác đào tạo trẻ. Rõ ràng, chúng ta có những tài năng và chuyện ở đây là cách mà người làm thể thao biến tài năng đó trở thành ngôi sao sáng như thế nào mà thôi./.