Kể từ khi Champions League áp dụng thể thức loại trực tiếp sau vòng bảng thứ nhất, các đại diện của nước Anh luôn chiếm số lượng áp đảo. Có lúc 3 CLB nước Anh cùng góp mặt ở bán kết (các mùa 2007/2008 và 2008/2009), thậm chí các đại diện xứ sương mù còn lập kỷ lục 6 năm liền có ít nhất 1 đại diện góp mặt trong trận chung kết (từ 2005 đến 2011), nhưng Champions League năm nay đang chứng kiến sự thất thế của các CLB Anh.

anh.jpg
MU và Man City đã bị loại, Chelsea và Arsenal cũng đang... chờ bị loại.

Quá tệ! Hai đại diện của thành phố Manchester là MU và Man City đã bị loại một cách cay đắng ở vòng bảng. Hai đại diện còn lại của London là Arsenal và Chelsea tuy đứng đầu vòng bảng nhưng hy vọng đi tiếp của họ chẳng khác nào mành treo chuông khi đã thảm bại tại trận lượt đi. Arsenal thua tới 4 – 0 trước AC Milan còn Chelsea thì phải ghi ít nhất 2 bàn và không để thủng lưới ở trận lượt về mới có thể vượt qua được Napoli.

Như vậy, chỉ cần tính đến thời điểm này cũng đã đủ thấy sự sa sút của các CLB Anh tại đấu trường châu lục. Nhất là khi các đội bóng của xứ sương mù luôn tiến sâu vào giải đấu giải đấu này các năm gần đây. Nhưng năm nay đã khác, sự cay đắng còn chưa dừng lại, sẽ tệ hại hơn nữa nếu tại vòng tứ kết tới đây sạch bóng các đội bóng xứ sương mù.

Khi Premier League đạt được bước tiến dài trong 20 năm qua để trở thành giải đấu số 1 của châu Âu về yếu tố thu hút khán giả từ khắp nơi trên thế giới. Rất nhiều nền bóng đá khác “ghen tỵ” cho rằng giải đấu của người Anh có được là do quảng cáo, tiếp thị và ăn xổi, chứ thực chất chuyên môn chẳng thể bằng các nền bóng đá khác như Italy hay Tây Ban Nha.

Đúng là sự ra đời của Premier League đã góp phần quảng bá hình ảnh bóng đá Anh ra thế giới. Trong khi đó, những Chelsea, Arsenal, Liverpool và đặc biệt là MU đã có không ít thành công ở Champions League và đó là lời bào chữa cho những kẻ công kích Premier League.

Song năm nay lời bào chữa đó đã vô hiệu.

Từ khi các khoản đầu tư của những nhà tài phiệt rót vào Premier League càng nhiều thì nó càng làm biến dạng chuyên môn của giải đấu. Sự xuất hiện của Abramovic là phát súng đầu tiên bắn vào những lò đào tạo cầu thủ trẻ. Không cần, họ chỉ cần cái hào nhoáng bên ngoài và những ngôi sao tới tấp được đưa về. Man City là bản sao nhưng bản sao này thậm chí còn chịu chơi hơn bản chính với số lượng tiền kỷ lục, CLB này còn sẵn sàng bỏ những ngôi sao hàng chục triệu USD trên ghế dự bị. Như vậy cầu thủ trẻ còn chỗ nào để ngồi? Còn những CLB có xu hướng sử dụng cầu thủ trẻ như Arsenal thì càng ngày càng không thể cạnh tranh được với các CLB còn lại.

Thảm họa của bóng đá Anh là Premier League phát triển quá nhanh. Điều đó khiến các CLB của nước này chỉ còn biết cắm đầu mà chạy theo xu hướng đó. Ở các giải vô địch quốc gia khác như Serie A hay La Liga, ĐTQG của nước họ thu được thành công bao giờ cũng có một CLB trong nước làm nền tảng cho đội tuyển. Juve ở Serie A hay Barca hoặc Real ở La Liga. Nhưng ở Premier League như vậy. Kể cả MU trong những năm gần đây tuy đóng góp nhiều người lên tuyển nhưng đó không phải là xương sống của đội bóng.

Kết quả là một đội tuyển Anh trống rong cờ mở, ngập trong ánh đèn flash nhưng rồi thi đấu lại chẳng ra sao. Euro 1996 trên sân nhà là giải đấu duy nhất họ vào tới bán kết. Còn lại từ World Cup 98, 2002,2006, 2010; Euro 2000, 2004 và thảm họa 2008 là những giải mà hai chữ thất vọng gắn liền với Tam sư. Và cứ giữ tình trạng như thế này thì Euro 2012 tới có lẽ cũng không nằm ngoài tiền lệ đó. Tính thử mà xem 16 năm rồi…

Thất bại không phải là thảm họa mà lại là một cơ hội. Sự yếu kém của Premier League năm nay chính là một cơ hội rất tốt cho bóng đá Anh nhìn lại và làm lại.  Hy vọng, sẽ không phải nghe lại lời nhận xét chua sót của Sir Alex Ferguson, một người gắn bó với Premier League từ lúc nó mới hình thành: “20 năm nay, nước Anh chỉ có Paul Gascoigne là đạt đẳng cấp thế giới”./.