Ngay trong ngày thi đấu đầu tiên của Asian Games 17, đoàn thể thao Việt Nam đã giành được 2 HCB, 2 HCĐ, trong đó đáng chú ý là tấm HCB của lực sĩ cử tạ Thạch Kim Tuấn, hạng 56kg, niềm hy vọng Vàng của đoàn tại Đại hội lần này. Mặc dù phá kỷ lục Asiad nhưng Kim Tuấn vẫn hụt tấm HCV được chờ đợi từ lâu. Vì sao điều đó xảy ra?
Ngồi bên chúng tôi trên khán đài sân vận động khi đi xem đội tuyển bóng đá Olympic Việt Nam thi đấu, HLV Huỳnh Hữu Chí tỏ ra tiếc nuối, vỗ đùi đành đạch, khi đội tuyển không thể tận dụng được những cơ hội rõ rệt để giành chiến thắng. Câu chuyện của chúng tôi được lái về ngày thi đấu đầu tiên và những phút căng thẳng, hồi hộp, với niềm vui chực vỡ òa để rồi phải nuốt lại vào trong. HLV Huỳnh Hữu Chí cho biết Kim Tuấn đến giờ này vẫn còn buồn vì hụt HCV trong gang tấc, bởi nếu như không có cái hụt tay ở lần cử giật đầu tiên.
HLV Huỳnh Hữu Chí kể lại: "Nếu mà Tuấn thành công ở lần cử giật 130kg, hoặc cái lần thứ 3 ở 162kg, thì gác trước đối thủ 8kg, tình huống đã khác trước. Bởi vì Om Yun Chol của Triều Tiên bắt buộc phải lên 168kg ở lần thứ 2. Khi đó chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra, bởi vì khi đó sẽ tùy thuộc vào trạng thái. Nhưng mà thôi, kỳ này, với động tác cử giật, Tuấn để chứng tỏ mình là số 1 thế giới ở hạng 56kg".
Thất bại của Kim Tuấn thực sự quá đáng tiếc khi anh đã vươn lên đầu bảng, sau phần cử giật với thành tích 134 kg. Đây cũng là kỷ lục mới của châu Á mà Kim Tuấn thiết lập. Thời điểm đó, lực sĩ Om Yun Chol chỉ đạt thành tích 128kg và thất bại ở mức 131kg, xếp sau cả lực sĩ Wu Jing Biao của Trung Quốc (133kg). HLV Huỳnh Hữu Chí khẳng định, diễn biến thi đấu của Kim Tuấn và Quốc Toàn đều nằm trong kế hoạch chiến thuật từ trước. Tuy nhiên, thể thao cần một chút may mắn, với Kim Tuấn là tình huống hụt tay ở lần cử đẩy nâng 162kg, còn với Quốc Toàn là chấn thương gân khoeo ngay ở lần cử đẩy đầu tiên ở mức 153kg.
Ông Huỳnh Hữu Chí phân tích: "Ban huấn luyện đã chuẩn bị chu đáo cho cả Tuấn và Toàn. Toàn đã nỗ lực vượt lên chính mình, khi mà chỉ cần lần cuối thành công, hoặc VĐV Wu Jingbiao của Trung Quốc thất bại ở lần cử thứ 3 ở mức 133, thì HCĐ chưa biết thuộc về Trung Quốc hay Quốc Toàn, bởi Quốc Toàn có thế mạnh hơn ở cử đẩy so với VĐV Trung Quốc đang sa sút thành tích, thể lực. Trạng thái của 2 cháu rất quyết tâm giành huy chương, đồng thời hỗ trợ cho nhau rất tốt để cùng chinh phục ở hạng cân này".
Có một chi tiết mà không nhiều người biết, đó là khi kiểm tra trọng lượng VĐV trước giờ thi đấu, Kim Tuấn bị thừa cân 325g theo quy định và buộc phải mặc áo mưa bên trong, cùng áo 2 lớp bên ngoài, chạy nhiều vòng quanh sân chuẩn bị để ép cân, đảm bảo đủ trọng lượng theo quy định của BTC. Dù vậy, ông Huỳnh Hữu Chí khẳng định yếu tố đó không ảnh hưởng nhiều đến thể lực của Kim Tuấn, chủ yếu là VĐV Triều Tiên quá xuất sắc, còn Kim Tuấn có vẻ như đã bị trạng thái.
"Chúng tôi đã xác định từ ở nhà là phải vượt qua 8-9kg, thậm chí 10kg so với đối thủ ở cử giật so với VĐV Triều Tiên. Chúng tôi cũng biết VĐV Trung Quốc chỉ đứng thành tích ở cử giật chỉ được 133kg, cử đẩy thì anh ta thất bại rất nhiều lần ở 161-162 không bao giờ lên tạ và đứng dậy nổi. Tuy nhiên, bất ngờ là Kim Tuấn có thể trạng thái hoặc chủ quan nên thất bại ở cử giật 130kg ở lần đầu tiên. Chứ ở nhà thì tính thì 130, lên 134kg để vượt qua kỷ lục của Wu Jingbiao và thành tích vừa giành được Olympic trẻ, sau đó tùy theo sức lên 136-137. Nếu ở cử giật mà gác được như vậy thì quá tốt. Chúng tôi không hề tập trung vào đối thủ Triều Tiên hay Trung Quốc, chỉ tập trung vào Wu Jingbiao một việc là xem Quốc Toàn có thể đuổi kịp đối thủ để giành huy chương không thôi" -ông Huỳnh Hữu Chí cho biết.
Đáng tiếc, Quốc Toàn lại chấn thương và chỉ đứng thứ 4 chung cuộc với thành tích tổng cử 283kg. Trong khi đó, đồng đội của anh là Thạch Kim Tuấn cũng hụt Vàng trong gang tấc. Ông Đỗ Đình Kháng, Trưởng bộ môn cử tạ- thể hình (Tổng cục TDTT) thừa nhận trong thể thao có tồn tại yếu tố may mắn và không có cụm từ "giá mà", nhưng khẳng định thành tích của Kim Tuấn là rất đáng ghi nhận.
Ông Đỗ Đình Khánh chia sẻ: "Đây là thành tích tuyệt vời bởi cử tạ VN từ trước đến nay chưa từng có, ngay cả khi VĐV Hoàng Anh Tuấn trước đây, thành tích cao nhất mới chỉ là 290kg. Với thành tích phá kỷ lục Asian Games và giành HCB, tôi hy vọng Kim Tuấn sẽ giữ phong độ để sang 2015, chúng ta sẽ gặp lại và đó sẽ là một cuộc tranh tài hứa hẹn nhiều diễn biến hấp dẫn. Và tới Olympic 2016, nếu Kim Tuấn giành được vé tham dự thì Tuấn sẽ có khả năng vào tranh chấp huy chương ở mức cao nhất".
Trả lời câu hỏi về kế hoạch đầu tư cho Kim Tuấn và đồng đội để thực hiện các mục tiêu đó, ông Đỗ Đình Kháng khẳng định chắc chắn đội tuyển cử tạ đã và sẽ tiếp tục đầu tư có chiến lược, bài bản để hướng đến Olympic Rio 2016.
"Lãnh đạo Tổng cục sẽ chú trọng cử tạ, bởi nhìn thực lực thì cử tạ có thể giành được thành tích cao ở Asian Games và Olympic. Do vậy, từ nhiều năm nay, Bộ và Tổng cục đã giành nhiều ưu tiên cho cử tạ. Ví dụ như cử tạ vừa đi tập huấn 3 tháng tại Hungary, cũng như chế độ dinh dưỡng, thuốc đặc biệt khi các cháu tập huấn. Những năm tiếp theo, các cháu sẽ còn được quan tâm ở mức cao hơn về chế độ và phương tiện tập luyện để các cháu thi đấu, nâng cao thành tích ở các giải quốc tế, đồng thời rèn giũa, nâng cao bản lĩnh để giành thành tích ở những đấu trường lớn" - ông Đỗ Đình Kháng cho biết.
Ngày 27/9, Kim Tuấn và BHL đội tuyển cử tạ cùng với các đội tuyển thể thao khác của Việt Nam, đã hoàn thành phần thi tại Asian Games, lên đường trở về nước. Nhưng phía trước Kim Tuấn, Quốc Toàn sẽ lại là những ngày tập luyện nặng nhọc, để hướng tới mục tiêu Vàng ở một đấu trường mới, thậm chí còn vinh quang hơn Asian Games, đó là Olympic Rio de Janeiro tại Brazil vào 2016./.