Ở SEA Games 26, nước chủ nhà Indonesia đã đưa môn võ Tarung Derajat vào chương trình thi đấu biểu diễn (không tính huy chương) của Đại hội. Tarung Derajat là môn võ thuật truyền thống của Indonesia. Ngoài tên gọi Tarung Derajat, môn võ này còn được gọi bằng một tên khác là AA Boxer.

Tarung Derajat là môn võ được kết hợp từ các môn: Pencak Silat, muay Thái, kick - boxing, karatedo, taekwondo, aikido,  jujutsu … và người sáng lập là Achmad Derajat. Tarung Derajat có 2 hình thức thi đấu là đối kháng và biểu diễn.

Trong đối kháng, môn võ này có những đòn đánh khá khốc liệt như: các cú đấm giữa sườn, chỏ vào cổ, thúc vào bên dưới, vật lộn di chuyển… Hay nói cách khác là ra đòn vào tất cả những bộ phận trên cơ thể đều được phép sử dụng sao cho triệt hạ đối phương một cách nhanh nhất.

Gelora-Utama-Boxer.jpg

Tarung Derajat là môn võ cho phép đối thủ ra đòn vào tất cả những bộ phận trên cơ thể

Tarung Derajat đã được các lực lượng vũ trang của Indonesia tập luyện vì tính hiệu quả cao của nó trong việc tiêu diệt kẻ thù. Với những người tập luyện môn võ này lâu năm, thì chỉ cần dính hai đòn của họ là đã bị hạ gục. Tarung Derajat khi đưa vào chương trình thi đấu của SEA Games đã lược bớt đi nhiều những đòn đánh hiểm như: Không được dùng đòn gối, đòn chỏ; với nữ thì không được đấm vào mặt. Tuy nhiên, cũng như Muay Thái, các VĐV tập luyện môn võ này lâu năm (các VĐV Indonesia) rất dễ ra đòn một cách bản năng, lúc ấy sẽ lấy mạng đối thủ như chơi.

Tận mắt chứng kiến những trận đấu của môn võ này, mọi người không khỏi rùng mình khi thấy các nhân viên y tế nhiều lần đưa cáng vào thảm đấu để khênh các VĐV ra ngoài. Dù đã mặc áo giáp và mũ bảo vệ nhưng khi bị trúng đòn hiểm, có VĐ bị giập sống mũi, có người phải đặt ống thở oxy ngay tại chỗ…

Một võ sĩ phải cấp cứu do bất tỉnh

Đến với SEA Games 26, đội tuyển Tarung nước ta có 6 VĐV ( 4 nam, 2 nữ ) ở 6 nội dung thi đấu. Hạng cân nam  là : 55, 60, 65, 70kg, còn của nữ là 54 và 58kg. Tuy nhiên, tất cả đều chỉ mới tập luyện được vài tháng trong khi theo tiết lộ của một võ sư Tarung của Indonesia thì mỗi võ sinh khi lên được thảm đấu đòi hỏi ít nhất phải có hơn 1 năm khổ luyện.

Theo HLV Nguyễn Văn Hướng, dù đã được các chuyên gia của Indonesia sang hướng dẫn và huấn luyện nhưng thực tế các VĐV của Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Do luật thi đấu còn bỡ ngỡ nên các VĐV của Việt Nam thường bị thua vì chưa “dám”… ra đòn tàn bạo với đối phương. Theo luật của môn này thì khi ra đòn trúng đối phương cần phải tiếp tục tiến lên và ra đòn tiếp nhưng các VĐV của Việt Nam thường hay lùi lại phía sau khi đã ra đòn vì vậy hay bị thua trận.

Chuyện các võ sĩ phải đưa ra sân bằng càng là bình thường

Theo điều luật của Hội đồng Olympic Đông Nam Á, các quốc gia đăng cai có quyền đề cử và đưa các môn thể thao truyền thống của quốc gia mình vào chương trình thi đấu. Ví dụ như: Pencak Silat của Indonesia, Vovinam của Việt Nam… Tuy nhiên, việc đưa một môn thi đấu có tính chất khốc liệt như Tarung Derajat vào chương trình thi đấu nên chăng cần được tính toán kỹ lưỡng hơn. Được biết, ngành thể thao Indonesia đang có dự định sẽ xúc tiến với một vài quốc gia trong khu vực để đưa môn võ này vào những kỳ SEA Games sau./.