Thành công của bóng đá xứ Thanh bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: sự trưởng thành của vị huấn luyện sau thời gian dài thất bại, khát vọng cùng lối chơi đầy nhiệt huyết của các cầu thủ…; song trên cả vẫn là sách lược “đắc nhân tâm” của ông bầu Nguyễn Văn Đệ.

Chữ “nhẫn” với HLV –Có một câu chuyện từng diễn ra nơi hậu trường đội bóng xứ Thanh liên quan đến “chiếc ghế” của ông thầy trẻ họ Triệu mà ít người tỏ tường. Sau chuỗi 5 – 6 trận bất đắc ý hồi đầu mùa giải (chủ yếu thua), nội bộ đội bóng xứ Thanh lúc đó đã có sự phân hoá rõ rệt. Trong hy vọng cứu vãn con tàu bóng đá Thanh Hoá đang có dấu hiệu đắm trên sông Mã, một loạt các thành viên trong Ban lãnh đạo Thanh Hoá không thể không nghĩ đến phương án “trảm tướng”. Thêm sự xuất hiện của cựu HLV trưởng V. Hải Phòng – Vương Tiến Dũng – trên khán đài sân Thanh Hoá, người hâm mộ cả nước gần như “chúng khẩu đồng từ” về khả năng “thuyền trưởng” họ Triệu “bay ghế”.

Ấy thế nhưng HLV Triệu Quang Hà vẫn tại vị. Quyết định của bầu Đệ lúc bấy giờ đã gây ngạc nhiên cho giới chuyên môn và các “thượng đế”. Tôi biết V. League có xu hướng thay HLV chỉ sau vài ba trận thất bại. Trong nhiều trường hợp, đó là giải pháp tốt nhưng không phải lúc nào cũng nên áp dụng, nhất là với trường hợp của Triệu Quang Hà. Tôi tin rằng cựu tiền vệ Thể Công chưa có nhiều thời gian để xây dựng lối chơi có bản sắc và cần phải cho Triệu Quang Hà thêm cơ hội” - bầu Đệ lý giải.

Diễn biến V. League những vòng đấu tiếp theo đã chứng minh bầu Đệ đúng. Dưới bàn tay nhào nặn của vị tướng trẻ cùng quyết tâm của dàn cầu thủ phần nhiều là người bản địa, lối chơi của Thanh Hoá dần hoàn thiện. Người hâm mộ ngày càng thấy một tập thể trẻ, giàu nhiệt huyết với sân, với lối chơi chặt chẽ, tinh thần nghiêm túc; còn Triệu Quang Hà, từ chỗ bị nghi ngờ về năng lực cầm quân, dần khẳng định được sự chững chạc, trưởng thành trong làng HLV nội.

Đặt niềm tin vào các cầu thủ

Không chỉ mạo hiểm với vị trí HLV trưởng, trước thềm V. League 2012, người đứng đầu đội bóng xứ Thanh còn gây sốc với cả làng khi chiêu mộ một loạt chân sút mà đa phần đều đã hết thời (hai thủ thành Tô Vĩnh Lợi, Khổng Thanh Tú; tiền vệ Quốc Vượng) hoặc còn non kinh nghiệm ở sân chơi V. League (hậu vệ Huy Cường). Trong số ấy, chỉ Bật Hiếu và phần nào là Đức Tuấn tạo được dấu ấn khi còn khoác áo đội bóng đất Cảng và CLB Hà Nội ACB.

Rõ ràng, nếu so sánh với những “người đi” là Đình Tùng, Tuấn Tùng, Mạnh Dũng, Quang Vinh, Công Huy – những tên tuổi đã thành danh ở V. League – thì các tân binh nói trên chưa đem lại sự yên tâm cho người hâm mộ. Vậy mà, ông bầu Nguyễn Văn Đệ đã nhìn thấy ở đám “lính mới” cái gọi là tiềm năng, nhiệt huyết và kinh nghiệm.

Thực ra, nguyên nhân chính khiến CLB Bóng đá Thanh Hoá phải tìm đến “hàng giá rẻ” trên thị trường chuyển nhượng bắt nguồn từ việc ngân sách đội bóng hãy còn “khiêm tốn” so với mặt bằng chung ở V. League (điều này có thể kiểm chứng khi “chợ cầu thủ” mở phiên giữa mùa, các đội tích cực chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến trụ hạng khốc liệt mà bầu Đệ chỉ đem về được mỗi Việt Thắng nhờ “lòng tốt” của B. Bình Dương – cho mượn đến hết V. League 2012 vì thừa tiền đạo). Song nói cho hết nhẽ, không phải bao giờ niềm tin của ông bầu một đội bóng dành cho các cầu thủ dưới trướng sẽ tăng lên nếu ngân sách hoạt động của CLB đó eo hẹp. Chẳng phải ở nhiều đội bóng thuộc hàng “đại gia V. League”, chuyện tướng không tin quân vẫn là đề tài được báo giới nhắc đến hàng ngày sao?

Liên tiếp nhiều mùa giải, công thức “mua nhiều + thưởng lớn = thành công” đã được nhiều ông bầu xem là kim chỉ nam và hăm hở chạy theo. Song thành tích mà CLB bóng đá Thanh Hoá đã đạt trong 2 năm qua dưới sự điều hành của bầu Đệ (về thứ 7/14 ở V. League 2011; đang có cơ hội bay cao tại V. League 2012) cho thấy: cái “công thức” tưởng chừng bất biến kia đang lung lay và nhiều người đã có thêm bài học bổ ích về cách dụng nhân./.