Tối 31/7, những sải tay của anh ở Nhà thi đấu thể thao dưới nước London đi kèm với tiếng hô vang dội từ các khán đài. Họ hào hứng chứng kiến một thời khắc lịch sử của Olympic. Tấm HCV nội dung bơi tự do 4x200 mét tiếp sức nam đã đưa Michael Phelps trở thành VĐV giàu thành tích nhất trong các kỳ Thế vận hội với 19 huy chương, trong đó 15 HCV. Kỷ lục cũ 18 huy chương mà vận động viên thể dục người Liên Xô Larisa Latynina đạt được trong các kỳ Olympic từ năm 1956 đến 1964 đã trở thành quá khứ.

mphelps.jpg

Khoảng một tiếng trước giờ khắc vinh quang đó, Phelps phải trải qua một trong những phút giây thất vọng nhất của sự nghiệp. Anh bứt phá về đích không thành công, chỉ được HCB ở nội dung sở trường là 200 mét bướm. Tấm huy chương đó đủ để kình ngư người Mỹ này cân bằng kỷ lục của huyền thoại Latynina nhưng rõ ràng niềm vui ấy đầy gượng gạo. Phelps ném mạnh chiếc mũ bơi của mình trong thất vọng, cố gượng cười khi bước lên bục nhận huy chương.

Nhưng nỗi buồn đó nhanh chóng tan biến khi anh lao xuống làn nước xanh ở nội dung 4x200 mét tiếp sức. Cũng phải nói thêm, Phelps thi đấu cuối cùng và các đồng đội Ryan Lochte, Conor Dwyer và Ricky Berens đã nỗ lực hết mình tạo thuận lợi dẫn trước tới gần 4 giây so với các đội khác. Đó là một lợi thế tâm lý lẫn chuyên môn không nhỏ chút nào. Và Phelps đã không mấy khó khăn hoàn thành phần việc còn lại để có HCV đầu tiên ở Olympic London, đồng thời là tấm huy chương lịch sử.

Phelps năm 2012 không phải là Phelps năm 2008. Rõ ràng sau 4 năm, anh đã sa sút phong độ đáng kể so với kỳ tích 8 HCV lập tại Olympic Bắc Kinh. Thất bại tại nội dung 200 mét bơi bướm cũng khiến Phelps bỏ lỡ một dấu ấn lịch sử khác là trở thành kình ngư nam đầu tiên đạt HCV một nội dung ở 3 kỳ Olympic liên tiếp. Trước nội dung đồng đội 4x200 mét tiếp sức, Phelps chưa chạm lại được cảm giác “vàng”. Song giờ thì bất kể ở các nội dung còn lại thế nào đi chăng nữa, anh đã thực sự tiến vào ngôi đền các huyền thoại một cách hoàn toàn xứng đáng.

Kình ngư Nam Phi Chad le Clos, người đánh bại Phelps ở nội dung 200 mét bướm, nhận xét: “Huyền thoại của Phelps trong môn bơi lội là vô cùng vĩ đại. Ngay cả ở châu Phi, mọi người cũng đều biết đến anh”. Đó là một huyền thoại được xây dựng qua 4 kỳ Olympic và đang hướng tới một kết thúc có hậu. Phelps tiến vào đường đua xanh từ Olympic Sydney 2000 nhưng chỉ thi đấu một nội dung và không được huy chương. Bốn năm sau, tại Olympic Athens, một truyền thuyết được khởi đầu khi Phelps đoạt 6 HCV và 2 HCĐ. Đến Olympic Bắc Kinh, đó là đỉnh cao không tiền khoáng hậu với 8 HCV hoàn hảo. Giờ là London, là Olympic cuối cùng trong sự nghiệp và dù những nội dung thi đấu của Phelps còn chưa kết thúc, anh đã sớm viết cho mình hồi kết hoàn hảo.

15 HCV trong tổng cộng 19 huy chương Olympic là một kho báu thực sự. Ngay cả Latynia cũng chỉ có 9 HCV trong số 18 huy chương. Khi Phelps bước lên bục vinh quang tối 31/7, nhà thi đấu vang dội ca khúc “Best of You” của Foo Fighter và những tiếng hô từ khán giả: “Huyền thoại hoàn hảo”. Một số fan còn giơ cao biểu ngữ chuẩn bị từ lâu cho sự kiện được chờ đợi này: “Phelps – VĐV Olympic vĩ đại nhất”.

Liệu Phelps có là vĩ đại nhất lịch sử 116 của Thế vận hội? Thực tế cho thấy Phelps cũng như Ltynia, hiện 77 tuổi, là những VĐV có ưu thế lớn khi họ có thể tham gia tranh tài ở rất nhiều nội dung. Tuy nhiên, không phải như vậy đồng nghĩa với vinh quang dễ dàng. Đường đua xanh ở Olympic London đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các tài năng trẻ và việc Phelps không thể có HCV trong 3 nội dung thi đấu đầu tiên là một minh chứng. Olympic hiện đại càng là cuộc cạnh tranh gay gắt hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, ở tuổi 27 cùng bộ sưu tập lộng lẫy của mình, Phelps thực sự xứng đáng là một nhà vô địch Olympic vĩ đại bậc nhất…./.

Hồ sơ Michael Phelps:

- Sinh ngày 30/6/1985.

- HLV Bob Bowman phát hiện ra tiềm năng của Phelps từ khi anh 11 tuổi.

- Có thể hình đặc biệt với thân dài và chân tương đối ngắn, làm giảm thiểu được sức cản nước.

- Bộ sưu tập Huy chương trước Olympic London 2012;

+ Olympic Athens 2004: 6 HCV (100 mét bướm, 200 mét bướm, 200 mét hỗn hợp cá nhân, 4x200 mét tự do tiếp sức, 4x100 mét hỗn hợp tiếp sức) và 2 HCĐ (200 mét tự do, 4x100 mét tự do tiếp sức).

+ Olympic Bắc Kinh 2008: 8 HCV ở tất cả các nội dung trên.

-  Bê bối: Phải xin lỗi dư luận trong tháng 2/2009 sau khi báo chí Anh đăng tải hình ảnh Phelps hút tẩu cần sa. Liên đoàn bơi lội Mỹ cấm anh thi đấu trong 3 tháng vì bê bối này./.