Có thể nói đây là Thế vận hội mùa Hè thăng trầm nhất trong lịch sử Olympic bởi biến cố dịch bệnh. Nâng lên đặt xuống nhiều lần, ngay cả khi quyết định tổ chức giữa lúc toàn thế giới bùng phát đợt lây nhiễm mới và cả tính đến rủi ro sau khi sự kiện thành công, Tokyo cũng sẽ phải chịu làn sóng lây nhiễm chủng mới khủng khiếp, nhưng có thể nói Olympic Tokyo 2020 đã hiên ngang đi vào lịch sử.
Thế vận hội “đặc biệt”
Chỉ vài giờ trước Lễ khai mạc, vẫn có nhiều ý kiến từ các đảng phái đối lập không tán đồng, thậm chí Ban tổ chức cho biết có thể hủy bỏ nếu các ca lây nhiễm liên quan đến Olympic gia tăng. Tuy nhiên, đúng vào lúc 20h ngày 23/7, trong bóng tối, ánh sáng từ một chiếc máy chạy bộ vút lên như dự báo sự thành công của một Thế vận hội đặc biệt.
Gần 11.000 vận động viên của 205 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia tranh tài ở 33 bộ môn, với nhiều kỷ lục mới của thế giới đã được lập. Tuy không có khán giả, nhưng các đoàn thể thao được nước chủ nhà dành cho tất cả những tình cảm ấm áp, lượng khán giả xem các trận thi đấu qua truyền hình tăng vọt so với các Thế vận hội trước.
Trước Lễ khai mạc, có 1 vận động viên người Uganda bỏ trốn với mong muốn được ở lại Nhật Bản. Trong khi diễn ra sự kiện, 1 vận động viên người Belarus bị triệu hồi về nước, nhưng lại muốn ở lại nước thứ 3. Kết thúc Thế vận hội, hơn 430 người là vận động viên, tình nguyện viên, người liên quan đến Thế vận hội bị mắc Covid-19.
Vượt lên tất cả, hàng loạt kỷ lục thế giới mới được thiết lập. Đoàn Thể thao Mỹ dẫn đầu với 113 huy chương, trong đó có 39 huy chương vàng. Đoàn Thể thao Trung Quốc đứng thứ 2 với 88 huy chương, trong đó có 38 huy chương vàng và đoàn chủ nhà Nhật Bản đứng thứ 3 với 58 huy chương, trong đó có 27 huy chương vàng. Đây cũng là kỳ thế vận hội mà Nhật Bản giành nhiều huy chương nhất từ trước tới nay.
Chưa khi nào hình ảnh sân vận động nơi diễn ra sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh lại bị vây bọc kín bởi những bức từng sắt cao tới vài mét. Vòng ngoài là cảnh sát, dân phòng đứng từng tốp tại những nơi có thể tiếp cận gần.
Đường phố không có nhiều người qua lại, không khí không nhộn nhịp như những dịp Olympic trước đây. Nhật Bản cũng không trưng quá nhiều pano, áp phích quảng bá, và dường như tất cả người dân Tokyo cũng như người dân cả nước chào đón sự kiện thể thao này từ trong chính lòng mình, không ồn ào và rất điềm tĩnh, như tính cách của người Nhật Bản.
Giá trị sinh ra từ rủi ro
Có lẽ một sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, với 4 năm chỉ có 1 lần và lần này được tổ chức trong hoàn cảnh đặc biệt, với những quyết định đặc biệt đã trở thành một Thế vận hội hiếm có. Người dân Nhật Bản đã dồn tâm lực cho Thế vận hội từ nhiều năm trước, với sự hân hoan và cả sự khắc khoải. Chính phủ Nhật Bản nỗ lực hết sức để tổ chức sự kiện. Hàng vạn vận động viên trên khắp thế giới có mặt tại Nhật Bản và đương nhiên, mỗi cá nhân họ đang lo ngại chính mình sẽ có nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Nhưng họ đã đến đây, với chặng đường từ nhiều năm trước chăm chỉ luyện tập, với những khát khao chiến thắng.
Có những vận động viên háo hức với lần đầu tiên được tham dự, cũng có những vận động viên có thể là lần cuối cùng họ tham dự. Và có những rủi ro chấn thương làm cho vận động viên nào đó không thể thi đấu trong suốt cuộc đời… Nhưng tất cả là phía trước, là những kỷ lục mới của bơi, của điền kinh… Đó chính là giá trị của con người, của mỗi dân tộc mang hòa vào dòng chảy nhân loại. Giá trị đó đối với các vận động viên là vô cùng quý giá, và họ đã cống hiến hết mình.
Có rất nhiều thống kê về thiệt hại của nền kinh tế Nhật Bản do chính sự kiện Olympic Tokyo lần này mang lại. Olympic lần này khác hẳn với Olympic Tokyo năm 1964 và Thế vận hội mùa Đông tại Nagano năm 1998. Mỗi thế vận hội thực sự là cú hích cho sự phát triển trong từng giai đoạn. Không may mắn, đại dịch Covid-19 phát sinh, khiến Nhật Bản lao tâm khổ tứ. Có lẽ ngay cả sau sự kiện được tổ chức thành công, thì rủi ro lây nhiễm virus biến thể mới gần như hiện hữu.
Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn đạt được nhiều góc độ, đó là; Thứ nhất, hình ảnh đất nước vẫn được quảng bá, thậm chí được đẩy lên nhiều tầng giá trị, nhất là tự sự quyết tâm và sẵn sàng chấp nhận. Thứ hai, hạ tầng thể thao quy mô quốc gia, quốc tế được hoàn thiện hơn, chuẩn bị cho những sự kiện tiếp theo. Thứ ba, uy tín quốc gia được củng cố khi quyết định tổ chức sự kiện trong hoàn cảnh khắc nghiệt hiếm có.
Đó chỉ là cách tiếp cận từ góc độ giá trị có thể mang lại, chứ không xét từ góc độ kinh tế, chính trị nào đó. Bởi đôi khi những giá trị được mang lại chính từ sự thiệt thòi và rủi ro.
Ai đã theo dõi Lễ khai mạc và Lễ bế mạc Olympic Tokyo chắc đều rất xúc động bởi nó đã được diễn ra hết sức nhẹ nhàng nhưng bao quát được giá trị, ý nghĩa của thể thao, của tình đoàn kết trên toàn thế giới và trộn lẫn văn hóa đặc sắc của Nhật Bản. Tất cả đều không phô trương, nhưng đủ hấp dẫn, đủ để yêu thương, và đủ để những giá trị đẹp lan tỏa.
Ấm áp tình cảm của Nhật Bản giành cho Đoàn Thể thao Việt Nam
Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Tokyo 2020 với 18 vận động viên và không mang về được huy chương nào. Hơn 4 thập kỷ trôi qua, Thể thao Việt Nam đã tham dự 9 kỳ Olympic, với 152 VĐV tham gia tranh tài. Chúng ta mới giành vỏn vẹn 5 tấm huy chương, bao gồm 1 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ. Như vậy, đã đến lúc Thể thao Việt Nam cần có những đánh giá lại để đưa ra chiến lược đầu tư, đào tạo những thế hệ vận động viên tham dự đấu trường thể thao lớn của thế giới.
Nhưng có một điều làm cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo cảm động, đó là tình cảm ấp áp của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, của người Nhật Bản giành cho đoàn. Những món quà nhỏ, tấm thiệp chúc mừng thành công… từ nhiều người với nhiều lứa tuổi đã trở thành nguồn động viên tuyệt vời. Hơn chục thành phố của các tỉnh thành Hokkaido, Fukushima, Ibaraki, Okayama, Nagasaki và thủ đô Tokyo là “thành phố chủ nhà” ủng hộ Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic và Paralympic Tokyo 2020.
Nhân dịp này, thành phố Fukushima đã phát hành bộ tem gồm 5 chiếc, trong đó 4 chiếc với những hình ảnh đặc trưng của Việt Nam là Phố cổ Hội An, vịnh Hạ Long, đèn lồng, hoa sen để truyền lửa cho các vận động viên Việt Nam. Ông Kohata Hiroshi, Thị trưởng thành phố Fukushima đã đánh giá cao lòng nhiệt tình và thân thiện của người Việt Nam, quan hệ bền chặt giữa người Việt Nam và Nhật Bản, hy vọng quan hệ hai bên sẽ phát triển tốt đẹp thông qua những hoạt động như trên.
Tại Tokyo, thành phố Kokubunji đã tổ chức buổi quảng bá Việt Nam nhằm khích lệ, động viên Đoàn Thể thao Việt Nam. Thị trưởng Izawa Kunio cho rằng các vận động viên Việt Nam có ý chí thi đấu rất cao và chúc các vận động viên khuyết tật tham gia Paralympic Tokyo sắp tới đạt được kết quả cao.
Tiếp nối Olympic, Thế vận hội Paralympic sẽ khai mạc vào ngày 24/8 tới. Với sự nỗ lực của chủ nhà và cùng với sự thành công của Olympic Tokyo 2020, chắc chắn Thế vận hội Paralympic Tokyo 2020 sẽ thành công. Olympic và Paralympic Tokyo 2020 đã và sẽ trở thành dấu ấn đẹp và có nhiều ký ức tuyệt vời đối với các vận động viên, người dân Nhật Bản, người yêu thể thao trên hành tinh này./.