Tiền tỷ tài trợ

Cũng giống như ông Lê Hùng Dũng thời điểm ứng cử vào chiếc ghế Chủ tịch VFF hồi tháng 3/2014, với một hợp đồng tài trợ “khủng” cho bóng đá nước nhà từ Eximbank, chắc chắn bầu Đức cũng đã tính toán tới phương án này để “lận lưng” cho mình một thương thảo đầy ấn tượng về các gói tài trợ để phát triển môn thể thao vua ở Việt Nam.

gu_thrw.jpg
Hội nghị BCH VFF ngày 4/12 khẳng định bóng đá Việt Nam đang có đối tác đề nghị tài trợ gói gần trăm tỷ trong 3 năm. (Ảnh: Hà Khánh).

Đã có thông tin về việc ông Đức cam kết huy động gói tài trợ trị giá cả trăm tỷ đồng trong 3 năm cho ĐTVN, ĐT U23 Việt Nam và cả bóng đá nữ trong cuộc họp BCH VFF ngày 4/12 vừa qua. Đây là thông tin hoàn toàn có cơ sở bởi ai cũng biết mối quan hệ thân tình của vị Phó Chủ tịch phụ trách tài chính của VFF với những đơn vị tài trợ không quá xa lạ với bóng đá Việt Nam như NutiFood.

Tương lai HLV Miura

Chắc chắn đây sẽ là chủ đề “hot” nhất trong trường hợp bầu Đức thế chỗ Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng vì lý do sức khỏe. Bởi ai cũng biết vị Phó Chủ tịch VFF chính là nguồn cơn tạo nên sự chia rẽ lớn trong nội bộ cơ quan bóng đá hàng đầu của nước nhà khi một mực đòi chấm dứt hợp đồng với HLV Miura.

HLV Miura không được bầu Đức tín nhiệm. (Ảnh: Nhung Trần).

Theo ông Đức, chiến lược gia người Nhật Bản là một trong những HLV ngoại có thành tích kém nhất trong lịch sử khi dẫn dắt ĐTVN cũng như U23 Việt Nam. Với người “đã nói là làm” như ông Đức, đến 99% ông Miura sẽ không còn tiếp tục gắn bó với bóng đá Việt Nam nếu như vị Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF thế chỗ đứng đầu Liên đoàn bóng đá Việt Nam của ông Lê Hùng Dũng.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc lứa cầu thủ “con cưng” của Học viện bóng đá HAGL – Arsenal JMG vẫn được biết đến với tên “những cậu bé của bầu Đức” sẽ có những chỗ đứng và vị trí vững chắc hơn mỗi khi các đội tuyển tập trung dù ở các đội trẻ hay ĐTVN.

Vết xe đổ

Vào tháng 3/2014, lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam, một doanh nhân ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch VFF thay vì một quan chức nhà nước. Đó là thời điểm ông Lê Hùng Dũng một mình băng băng “cán đích” tới chiếc ghế “nóng” cùng lời hứa mang về 383 tỷ đồng mỗi năm cho bóng đá nước nhà.

Ông Lê Hùng Dũng khi đắc cử Chủ tịch VFF hồi năm 2014 với số phiếu gần như tuyệt đối. (Ảnh: Trọng Phú).

Thế nhưng chỉ 21 tháng sau khi đắc cử vị trí Chủ tịch cơ quan bóng đá hàng đầu trong nước, ông Dũng đã không thể toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp phát triển môn thể thao vua của nước nhà vì rất nhiều lý do, trong đó có vấn đề sức khỏe không đảm bảo.

Cho đến thời điểm này, những gì ông Dũng làm được là không thể đáp ứng kỳ vọng và VFF cần một sự thay đổi. Vị Chủ tịch VFF cũng không thể giữ lời hứa là “mang tiền về cho bóng đá Việt Nam”, một trong những lĩnh vực sở trường của doanh nhân như ông Lê Hùng Dũng.

Ai cũng thấy đã đến lúc thay đổi ở “thượng tầng” VFF sau biết bao bất ổn trong năm 2015 cùng sự sa sút của bóng đá nước nhà và Hội nghị thường niên VFF khóa VII (nhiệm kỳ 2014-2018) diễn ra ngày hôm nay (26/12) là cơ hội để hiện thực hóa công việc chuyển giao đó. Thế nhưng, sau những gì ông Lê Hùng Dũng đã làm được, liệu có nên đi vào “vết xe đổ” khi trao quyền hành cho một doanh nhân khác như ông Đoàn Nguyên Đức?./.