PV: Thưa ông, Việt Nam đã giành được quyền đăng cai Asiad 18 diễn ra vào năm 2019. Từ nay đến ngày khai mạc, chúng ta còn khoảng 6 năm nữa. Ông đánh giá như thế nào về sự chuẩn bị cho Asiad tính đến thời điểm này?

Ông Nguyễn Hồng Minh: Khi 1 quốc gia tổ chức sự kiện lớn như vậy phải giải quyết ba vấn đề. Thứ nhất là chuẩn bị lực lượng VĐV để tham gia thi đấu. Vấn đề thứ hai là chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị. Vấn đề thứ ba là chuẩn bị bộ máy, lực lượng tham gia tổ chức và điều hành.

anh-hong-minh-tai-asiad-2006.jpg
Ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao. (ảnh: TT&VH)

Thông thường, đăng cai một thế vận hội lớn là do thành phố đăng cai chứ không phải quốc gia đăng cai. Vùng nào đứng ra đăng cai phải có sự bảo trợ của Chính phủ. Việc đầu tiên là phải có sự ủng hộ của Chính phủ. Cho đến nay, ngành TDTT đã tiến hành một số công việc để chuẩn bị cho điều này.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về những công việc chuẩn bị đến thời điểm này?

Ông Nguyễn Hồng Minh: Thứ nhất, chúng ta đang xây dựng đề án trình Chính phủ. Trong đó có 2 đề án quan trọng: Đề án tổng thể để chuẩn bị và tổ chức Asiad 18, đề án chuẩn bị đào tạo VĐV để tham gia Asiad 18. Hai đề án đã được gửi lên các cơ quan Chính phủ để xem xét.

Đề án chuẩn bị VĐV đang được tiến hành, đã gửi cho các bộ ngành liên quan. Các công việc khác là kiểm tra, thống kê, xem xét lại toàn bộ cơ sở vật chất trên lãnh thổ Việt Nam. Đặc biệt là tại Hà Nội và 12 tỉnh, thành phố dự kiến là nơi tổ chức các môn thi Asiad. Việc đánh giá lại toàn bộ các cơ sở vật chất để xem xét có bao nhiêu công trình đáp ứng được nhu cầu thi đấu, cần xây mới những địa điểm nào để phục vụ Asiad.

Công việc nữa là rà soát lại toàn bộ các VĐV của các địa phương đồng thời đặc biệt xem xét các VĐV ưu tú có thể tham gia thi đấu Asiad. Việc này Tổng cục TDTT cùng Vụ thể thao thành tích cao đã làm trong năm 2013. Hiện tại đã xác định được VĐV ưu tú tham gia Asiad 2014 ở Hàn Quốc và dự tính lực lượng tham gia Asiad 2019.

PV: Mục tiêu đặt ra khi Việt Nam là nước chủ nhà, đó là giành 10-15 HCV, đứng ở vị trí từ thứ 6-10 trên BXH. Theo đánh giá của ông thì lực lượng của chúng ta có đáp ứng được mục tiêu hay ko?

Ông Nguyễn Hồng Minh:Cơ sở để chọn lựa VĐV dựa vào cảm tính chủ quan và thành tích của họ. Theo dõi việc họ thi đấu, chúng ta có thể tính toán ra khả năng giành thành tích, đồng thời dựa vào lứa tuổi của họ để tính toán. Chúng ta đã chọn ra khoảng 50 VĐV ưu tú để bồi dưỡng chuẩn bị cho Asiad 2014 và khoảng 150 VĐV khác ở hơn 30 môn thể thao để tập trung bồi dưỡng. Tôi cho rằng bước đầu như vậy là nỗ lực đáng kể.

Việt Nam chính thức giành quyền đăng cai Asiad 18, diễn ra tại Hà Nội. (ảnh: AP)

Tuy nhiên, để giành được huy chương tại Asiad là một vấn đề không đơn giản. Chúng ta có khoảng 8 môn có khả năng giành huy chương tại đấu trường châu lục, như: cầu mây, bắn súng, cử tạ, wushu... Nhưng những môn chúng ta có khả năng giành huy chương thì các nước bạn cũng rất mạnh. Vì vậy, để tranh chấp HCV là bài toán cực kì khó khăn và chưa thể đoán biết trước được.

Chẳng hạn như chúng ta có: Thạch Kim Tuấn (cử tạ) với mức 285 kg, tương đương với top 3 của thế giới, Hoàng Xuân Vinh rất mạnh về súng ngắn. Về điền kinh, thành tích của Vũ Thị Hương có thể nằm trong top 3 VĐV hàng đầu châu Á... Nhưng tôi không nhìn thấy ai có thể đảm bảo cho việc giành HCV tại Asiad. Do đó, việc đặt ra mục tiêu giành 10-15 HCV tại Asiad là cực kì khó khăn.

PV: Theo quan điểm của ông, chúng ta có nên đầu tư cho nhiều môn thể thao để đảm bảo vị trí top 3 tại SEA Games, hay đầu tư tập trung cho một số môn để giành thành tích tại Asiad?

Ông Nguyễn Hồng Minh: Vấn đề này có những quan điểm mâu thuẫn khác nhau. Một số cho rằng nên đầu tư nhiều môn để duy trì vị trí top 3 trong SEA Games. Một số ý kiến khác cho rằng không nên đầu tư dàn trải, mà tập trung vào một số môn thế mạnh để vươn ra tầm châu lục.

Theo quan điểm của tôi, đấu trường SEA Games trong những năm đầu là một đấu trường tích cực. Tuy nhiên, trong khoảng 15 năm trở lại đây, điều lệ của SEA Games đã tạo lợi thế tối đa cho nước chủ nhà. Chẳng hạn, nước chủ nhà có quyền chọn tới 8 môn có tính chất đặc thù của khu vực và thế mạnh của mình.

Các môn thi đấu của SEA Games không ổn định và luôn luôn thay đổi. Nếu chúng ta chấp nhận xu hướng đó, chúng ta phải cử nhiều VĐV trong nhiều môn để có nhiều cơ hội giành huy chương, duy trì một vị trí trong top 3. Như vậy sẽ làm phân tán lực lượng, không thể đầu tư tập trung cho những môn mũi nhọn để vươn tới Asiad hay Olympic.

Theo tôi, đã đến lúc chúng ta cần có những thay đổi. Nên tập trung đầu tư cho một số VĐV có tiềm năng, tạo nhiều cơ hội cọ xát liên tục cho họ để có thể vươn lên tầm châu lục.

PV: Vâng, xin cám ơn ông!/.