PV: Là một trong những người đầu tiên gây dựng bóng đá nữ, và mới đây đã trở lại dẫn dắt ĐT bóng đá nữ Việt Nam, ông đánh giá thế nào về trình độ của toàn đội hiện tại?

HLV Mai Đức Chung: Tôi đã làm bóng đá nữ từ năm 1998 tới nay, qua đó tôi cũng đã nắm được trình độ của các đội, CLB của chúng ta, cũng như là đội tuyển bóng đá nữ. Đầu tiên phải nói rằng, trong những năm vừa qua chúng ta có nhiều phát triển, nhiều tiến bộ.

10675548_10203089469697831_2946048891629116290_n_lkgf_jglh_zsvp.jpg
HLV Mai Đức Chung cho rằng bóng đá nữ Việt Nam đã và đang có nhiều tiến bộ rõ nét...

Tôi nói đây là trong khu vực, còn đối với khu vực châu Á thì chúng ta còn cả một khoảng cách khá xa, nhưng trong khu vực chúng ta luôn duy trì được vị trí ở top đầu, đấy là thành tích của chúng ta. Nếu so sánh thời kỳ đầu cho đến bây giờ thì có thể lứa đầu tiên chúng ta rất tốt vì chúng ta cũng đã có sự chuẩn bị rất lâu. 

Đến bây giờ phong trào vẫn duy trì nhưng cái tinh tuý thì không còn, không được như trước nữa. Những kỹ năng, kỹ xảo của các em bây giờ cũng không thể bằng những lứa VĐV đầu tiên chúng tôi làm, phải nói thật là như vậy. 

... nhưng không còn tinh túy như trước đây.

PV: Giải bóng đá nữ VĐQG của chúng ta vẫn được duy trì hàng năm và ngày càng phát triển, giải đấu vào tháng 5 tới đây cũng đã có thêm câu lạc bộ tham dự. Bóng đá nữ ngày càng nhận được nhiều hơn sự quan tâm từ giới chuyên môn và người hâm mộ. Vậy ông có thể lý giải vì sao ông cho rằng những tinh túy của bóng đá nữ hiện tại thua kém trước đây?

HLV Mai Đức Chung: Giải đấu VĐQG sắp tới chúng ta có thêm đội tham dự, trước chúng ta chỉ có 6 đến 7 đội thôi, nhưng hiện nay có thêm đội Sơn La là 8 đội. Mặc dù số đội tăng lên, nhưng những gương mặt mà chúng ta quen thuộc chỉ quanh quẩn ở một số cái tên, như Hà Nội I, Thành phố Hồ Chí Minh, Phong Phú Hà Nam, Quảng Ninh… 

Ngoài ra, ở một số địa phương thì vẫn còn chưa phát triển bóng đá, mới chỉ là bắt đầu. Vì vậy, việc số lượng đội tăng lên như thế tôi cũng rất mừng nhưng số lượng VĐV tập trung thì vẫn chưa được nhiều. Lẽ ra, trong ban tuyển chọn phải suy nghĩ lấy ai hoặc không lấy ai, nhưng ở đây chúng ta còn rất ít sự lựa chọn, một điều thiệt thòi của bóng đá nữ. 

Bóng đá nữ cũng chưa phát triển rộng khắp, các nhà tài trợ thì quan tâm bóng đá nam nhiều hơn bóng đá nữ, chính vì thế việc lựa chọn của chúng tôi cũng rất ít.

PV: Sau thất bại ở vòng loại thứ 3 Olympic mới đây, ông đã rút ra bài học gì để bóng đá nữ Việt Nam có thể vươn ra tầm châu lục cũng như thế giới?

HLV Mai Đức Chung: Chúng ta có chiến lược về phát triển con người Việt Nam, nâng tầm vóc con người Việt Nam từ nay cho đến 2030. Đó là một ý tưởng rất tốt trong lĩnh vực thể thao. 

HLV Mai Đức Chung cho rằng cần phải cải thiện triệt để hơn để nâng tầm vóc của VĐV Việt Nam.

Dù các nước khác đã làm từ lâu, đến nay chúng ta mới làm, nhưng tôi nghĩ muộn còn hơn không. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ bắt đầu thôi chứ chưa triệt để. Cần phải làm triệt để hơn nữa thì chúng ta mới cải thiện được nòi giống, nâng tầm vóc cong người Việt Nam cả nghĩa đen và nghĩa bóng. 

Ví dụ người Nhật Bản ngày xưa rất thấp, nhưng đến nay họ cao to và có thể lực tốt. Tôi có thể so sánh với khu vực Đông Nam Á, ví dụ Myanmar, Malaysia hay Thái Lan, thể hình của họ to về chiều ngang, cũng như cao hơn chúng ta. 

Bất lợi về thể hình, cụ thể là người “mỏng”, nhỏ bé, là thiệt thòi của chúng ta trong những môn tập thể đối kháng như bóng đá này. Ở vòng loại Olympic thứ 3 ở Nhật Bản, chúng ta có thể lực tốt, các cầu thủ đeo bám được đối phương ở các tình huống bóng thấp, nhưng cuối cùng chúng ta lại thua về bóng bổng. Đó là thiệt thòi về chiều cao, chúng ta phải cải thiện triệt để điểm yếu này thì mới mong phát triển và có thành tích tốt ở các giải đấu tầm cỡ châu lục và thế giới được.

Một mặt, chúng tôi cũng đề xuất các đội, các CLB, nhất là ở ĐT nữ phải đào tạo kỹ thuật nhiều, không bỏ cách giai đoạn. Trong thể thao, chúng ta hay làm kiểu “ăn xổi”, mong có các em thi đấu thật nhanh để có đội trên và rồi lại mong có thành tích. Thế nhưng, ở đội dưới chúng ta lại quên đào tạo cơ bản, nên rất là khó. Đó là lý do khi lên đội tuyển chúng tôi rất khó khăn trong vấn đề cơ bản của các cầu thủ. 

So với các đội, các CLB ở châu Á, hay thu hẹp phạm vi trong khu vực Đông Nam Á, ví dụ điển hình là Thái Lan, chúng ta không bằng người ta. Đó là lý do tôi luôn yêu cầu các CLB phải tập trung rèn cơ bản trong đào tạo trẻ.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông./.