Đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) nhiệm kỳ khóa 7 đã kết thúc với việc bầu ra Ban Chủ tịch và Ban chấp hành Liên đoàn. Tại Đại hội, ông Trần Quốc Tuấn đã được bầu vào vị trí Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn. Từng giữ chức Tổng thư ký VFF trong thời gian dài, ông Trần Quốc Tuấn được kỳ vọng sẽ sử dụng sự am hiểu của mình về bóng đá trong nước, cũng như tận dụng các mối quan hệ ngoại giao quốc tế để giúp bóng đá Việt Nam khởi sắc trong thời gian tới. Phóng viên VOV đã phỏng vấn Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn về một số dự định và kế hoạch chuẩn bị thực hiện trong thời gian tới.

tran%20quoc%20tuan%20vff.jpg
Ông Trần Quốc Tuấn, Tân Phó Chủ tịch VFF (Ảnh: Minh Hoàng)

PV: Ông có thể cho biết kế hoạch sơ bộ mà ông dự định làm với bóng đá Việt Nam trong thời gian tới?

Ông Trần Quốc Tuấn: Năm 2014 là một mốc thời gian rất quan trọng và Đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã thông qua những kế hoạch dài hạn và riêng đối với năm 2014. Bởi năm 2014, chúng ta là nước chủ nhà của 4 sự kiện rất lớn của Đông Nam Á và châu Á. Qua các sự kiện này, đội tuyển nữ và Futsal của chúng ta có cơ hội, điều kiện nâng tầm cao hơn. Với đội tuyển nữ, chúng tôi đã có sự chuẩn bị, chương trình chi tiết để đội tuyển nữ nắm bắt tốt cơ hội, đột phá trong năm 2014. Đó là ước muốn của tất cả những người làm bóng đá và tất cả các thành viên trong VFF. Ngoài ra, giải Futsal châu Á tại TP.HCM vào tháng 5, giải U19 Đông Nam Á để chọn suất tham dự những giải lớn hơn cũng là cơ hội để giúp các cầu thủ trẻ và Futsal tích lũy kinh nghiệm cho quá trình dài hơn, đồng thời kiểm chứng quá trình đào tạo cầu thủ trẻ trong thời gian qua.

PV: Tân Chủ tịch VFF đã đề ra những chỉ tiêu, mục tiêu rất rõ ràng, đặc biệt là với bóng đá nữ, nhưng với bóng đá nam thì lại rất khiêm tốn. Quan điểm của ông ở góc độ chuyên môn thì những chỉ tiêu đề ra đã hợp lý hay chưa, và vì sao lại đề ra các chỉ tiêu như vậy?

Ông Trần Quốc Tuấn: Thực ra những chỉ tiêu mà Đại hội đưa ra cũng nằm trong khả năng của chúng ta, nếu chúng ta có phương pháp và sự chuẩn bị tốt, bài bản. Quan trọng nhất là chúng ta không chỉ nhìn cho 1-2 năm tới, mà phải nhìn xa hơn. Đó là nâng cao chất lượng đào tạo cầu thủ trẻ ở các CLB. Điều này buộc VPF phải có trách nhiệm, sự đổi mới, đồng thời phải nhận được sự ủng hộ của các CLB. Bởi CLB chính là nền tảng phát triển của bóng đá đỉnh cao, theo xu thế bóng đá chuyên nghiệp. Nhiều mô hình như Hoàng Anh Gia Lai, SLNA thì chắc chắn chúng ta có cầu thủ tốt, đội tuyển tốt thì thành tích theo đó cũng được cải thiện.

Giai đoạn 2005- 2010 chúng ta đã có những bước đột phá, nhưng chưa ổn định, bền vững. Chúng ta đã lọt vào tứ kết Asian Cup 2007 khi chúng ta đăng cai, giành chức vô địch Đông Nam Á 2010, lọt vào vòng cuối vòng loại Olympic khu vực châu Á – đó là những thành tích hết sức lớn. Nhưng để ổn định và bền vững thì cần phải có hoạch định bài bản, căn cơ hơn.

Theo ông Trần Quốc Tuấn, bóng đá Việt Nam vẫn thiếu sự phát triển ổn định và bền vững (ảnh minh họa: Quang Trung)

PV: Tân Chủ tịch VFF đã chọn đột phá khâu cải tổ ban trọng tài, với tâm điểm là giám sát và trọng tài của trận đấu. Với tư cách là Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn, ông chọn điểm nào để đột phá cho bóng đá trong nước?

Ông Trần Quốc Tuấn: Trong bóng đá chuyên nghiệp, trọng tài là một nghề, có tính chất đặc biệt vì phải chịu áp lực từ dư luận, cầu thủ và khán giả. Muốn có đội ngũ trọng tài tốt, cần có thời gian, cần có quy chế quản lý, đó là thách thức khi Hội đồng trọng tài được cải thiện trong thời gian tới. Và cần phải có ý thức hợp tác tốt từ các thành viên tham dự trong một trận đấu. Bên cạnh đấy, việc giao lưu với trọng tài các nước trong khu vực đã được chúng tôi thảo luận trực tiếp với những đối tác và nhận được sự ủng hộ của họ.

Bên cạnh đó, chúng ta có thể xem hàng chục trận bóng đá vào mỗi dịp cuối tuần cũng thấy, trọng tài ở đó cũng mắc nhiều sai sót, nhưng quan trọng là thái độ chuyên nghiệp của những người trong cuộc đối với những sai sót đó. Điều đó cần sự cộng tác rất lớn từ phía các CLB, các cầu thủ và chính những người làm bóng đá.

PV: Xin cảm ơn ông./.