Cần khẳng định, ở ĐT Olympic Việt Nam lúc này không chỉ có mỗi Công Phượng! Anh cũng như bao cầu thủ khác sống trong một tập thể và chịu chi phối bởi cuộc sống sinh hoạt, hay triết lý bóng đá của HLV trưởng. Nhưng sở dĩ người ta hay nhắc đến Công Phượng vì đây là mẫu cầu thủ có thể làm nên khác biệt mỗi khi có bóng trong chân. Chẳng hạn như khoảnh khắc anh xuất thần đi qua 5 cầu thủ U19 Australia rồi ghi bàn tại giải U19 ĐNÁ 2014.
|
Khoảnh khắc Công Phượng đi qua 5 cầu thủ U19 Australia. |
Trong tình huống đó, có người nói nếu Công Phượng không ghi được bàn, anh sẽ bị coi là “kẻ tham lam”. Nhưng người khác lại cho rằng, chính sự “tham lam”, lì lợm ấy đã giúp Công Phượng trở thành ngôi sao.
Với HLV Toshiya Miura, chưa bao giờ ông đề cao chủ nghĩa cá nhân trong đội bóng. Theo nhà cầm quân người Nhật Bản, một đội bóng muốn có được sức mạnh để giành chiến thắng thì phải đoàn kết và các cầu thủ phải khỏe, nhanh… Dẫu vậy, có nhiều ý kiến cho rằng, ông Miura nên có những đặc cách cho Công Phượng.
|
Bây giờ Công Phượng có còn “tham lam” không? Có! Nhưng đó là tư duy và cũng là điều kiện giúp anh tạo ra khác biệt. Thế nên, người thầy từng có 8 năm chỉ bảo Công Phượng là HLV Guillaume Graechen từng nhận xét: “Nếu ‘bó’ Công Phượng, cậu ta sẽ không còn là chính mình!”.
Chắc chắn Công Phượng sẽ phải thay đổi. Nhưng trong sự thay đổi ấy, anh có được nhận một vài đặc cách hay không thì còn phải chờ HLV Miura quyết định. Với cá nhân tôi, nhiều tình huống không nhất thiết Công Phượng phải tuân theo nguyên tắc đã đề ra như giữ bóng ít chạm, chuyền nhanh…, mà thay vào đó là phát huy những tố chất bẩm sinh. Bởi trong bóng đá, sáng tạo là rất quý và Công Phượng xứng đáng được đặt niềm tin để có thể tạo ra khác biệt từ những tình huống không tưởng!./