Tám năm chưa một lần vô địch…

Từ năm 2005 đến nay, Arsenal chưa giành được bất cứ cúp vô địch nào. Nghĩa là đã 8 năm trời, đội bóng vùng Bắc London chưa một lần được hưởng cảm giác đăng quang, dù ở giải đấu lớn hay nhỏ. Đây chính là thành tích tồi tệ nhất trong lịch sử CLB vốn giàu truyền thống này. Kéo theo đó là sự “rũ áo ra đi” của nhiều công thần như Van Persie, Nasri, Clichy hay Toure, Gallas.

arsenal.jpg
Những chiếc cúp vô địch giờ chỉ còn là kỉ niệm với Arsenal. (ảnh: Arsenal FC)
Mùa giải này, thầy trò Wenger cũng không bảo vệ được vị trí trong top 4 và đang kém 4 điểm so với Tottenhamp. Tại đấu trường Champions League, họ đang đứng trước nguy cơ bị loại bởi Bayern sau trận thua 1-3 ngay trên sân nhà. Thậm chí, đến đối thủ Bayern cũng mỉa mai rằng thắng Arsenal là điều quá đơn giản.

“Thật dễ dàng đối với Bayern trong ngày hôm nay.”- HLV Heynckes phát biểu sau trận đấu đêm qua. “Các cầu thủ chơi với phong độ tuyệt vời, cộng thêm sai sót của hàng thủ đối phương đã giúp chúng tôi có được chiến thắng. Chúng tôi đã tận dụng tốt cơ hội và trừng phạt ngay cả những sai lầm nhỏ nhất của đối thủ.”

Không còn tự tôn của một đội bóng lớn, không còn cúp vô địch, Arsenal từ một “người khổng lồ” của nước Anh đang dần biến thành một đội bóng hạng trung. Điều này có phần “đóng góp” rất lớn của Giáo sư Wenger.

Trách nhiệm của Wenger?

Trước làn sóng đòi Wenger từ nhiệm sau trận thua vừa rồi, HLV người Pháp vẫn nói cứng: “Nếu tôi ra đi, các bạn sẽ rất nhớ tôi. Tôi đã ở đây 16 năm và tôi xứng đáng được tôn trọng.” Wenger đúng là một HLV kì cựu bậc nhất của Premier League, chỉ thua Sir Alex Ferguson. Nhưng sự cố chấp trong triết lí bóng đá của ông đã khiến Arsenal lâm vào cảnh như hiện nay.

CĐV Arsenal đang đòi thay thế HLV Wenger. (ảnh: Getty Images)

Vốn là một giáo sư kinh tế nên Wenger mang luôn cả triết lí kinh doanh vào bóng đá. Sai lầm đầu tiên của ông là xây dựng sân vận động Emirates, để rồi ôm “cục nợ” khổng lồ mà đến bây giờ vẫn chưa trả hết. Khi đó, chính Wenger đã tuyên bố sẽ trả hết nợ xây sân vận động bằng “chính sách chuyển nhượng” tức là bán các cầu thủ tốt lấy tiền rồi mua các cầu thủ trẻ giá rẻ về đào tạo.

Sau đó, Wenger lại phân tán lực lượng để đào tạo trẻ, mở các học viện tại nhiều nước, trong đó có cả Việt Nam. Cách làm này có thể tăng nguồn thu cho CLB và tăng nguồn cầu thủ trẻ nhưng nó khiến cho công tác đào tạo của Arsenal bị tán lực. Bản thân Wenger cũng phải liên tục để mắt đến các học viện này và không thể tập trung 100% cho việc chinh phục các cúp vô địch.

Liên tục bán đi các công thần và phân tán lực lượng khiến cho Arsenal không thể có một bộ khung ổn định. Kéo theo đó là thành tích thi đấu kém cỏi, “trắng tay” trong 8 năm liền. Có lẽ đã đến lúc, các Pháo thủ cần một sự thay đổi và thời kì của Wenger cũng nên chấm dứt tại đây(!)./.