Khi FIFA và UEFA là hình mẫu của bóng đá toàn cầu
UEFA không phải là tổ chức bóng đá lâu đời nhất thế giới nhưng theo thời gian và sự phát triển của bóng đá, UEFA dần trở thành liên đoàn châu lục có tiếng nói mạnh mẽ nhất trong làng bóng đá toàn cầu. Cùng với FIFA, những quyết sách về thể thức thi đấu của UEFA cũng có ảnh hưởng sâu rộng đến các khu vực khác.
Ở cấp ĐTQG, sau khi EURO tăng số đội tham dự VCK từ 8 lên 12 rồi 16 và 24, các giải đấu châu lục khác như Asian Cup, AFCON hay Cúp vàng CONCACAF cũng đều tăng số đội tham dự. Lộ trình này cũng đi cùng với sự tăng số đội dự World Cup của FIFA từ 24 lên 32 và sắp tới là 48 đội từ World Cup 2026.
Gần đây nhất, sau khi UEFA tạo nên một giải đấu mới mang tên UEFA Nations League, khu vực CONCACAF cũng có ngay giải đấu tương tự và ý tưởng đưa một giải đấu có thể thức y hệt về châu Á cũng đã được đề cập. Thêm vào đó, những giải đấu trẻ như U17, U20 cấp châu lục cũng được tổ chức gần giống với mô hình của UEFA.
Tại cấp CLB, UEFA Champions League từ khi được mang như tên hiện tại từ năm 1992 đã luôn được coi như giải đấu số 1 thế giới, là hình mẫu để các liên đoàn khu vực khác "noi theo" và phát triển. Lần lượt AFC Champions League, CAF Champions League, OFC Champions League, CONCACAF Champions League ra đời và mô phỏng càng ngày càng sát với giải đấu ở châu Âu (tất nhiên có một số sự khác biệt do đặc thù địa lý).
Bóng đá thế giới sẽ có nhiều "Super League"?
Khi mô hình tổ chức các giải đấu trên toàn thế giới đang có sự liên kết chặt chẽ và mang tính quy chuẩn tương đối cao từ UEFA và FIFA, việc các CLB lớn ở châu Âu muốn tách riêng để thành lập European Super League chẳng khác nào "cú đánh" mạnh mẽ vào tham vọng tiếp tục đưa bóng đá phát triển theo cách mà FIFA cũng như UEFA đã dày công xây dựng suốt những năm qua.
12 đội bóng lớn nhất ở châu Âu có thể tách ra thành lập một giải đấu riêng thì không có gì đảm bảo 12 đội lớn nhất các châu lục, khu vực khác không làm điều tương tự trong một ngày không xa.
Thử tưởng tượng những CLB ở Nhật Bản, Hàn Quốc hay Saudi Arabia, Qatar tách riêng và thành lập giải đấu mới, AFC Champions League liệu còn giá trị hay không? Xét về tiềm lực kinh tế, những đội bóng lớn nhất của những quốc gia này không hề thua kém các CLB hàng đầu châu Âu, thứ họ kém hơn có chăng chỉ là danh tiếng trên toàn cầu. Điều tương tự cũng sẽ đến với châu Phi, Nam Mỹ, Bắc Mỹ nếu những CLB hàng đầu liên kết lại và tạo nên những giải đấu không phụ thuộc bất cứ Liên đoàn châu lục nào.
FIFA từ trước đến nay vẫn luôn được coi là cơ quan quyền lực nhất của bóng đá thế giới, UEFA cũng có vị thế là cơ quan quyền lực nhất của bóng đá châu Âu nhưng với những động thái từ nhóm Super League, vị thế ấy đang bị lung lay. Nếu những châu lục khác cũng có những đội bóng "đứng lên" đòi quyền lợi như vậy, thế giới bóng đá sẽ có những xáo trộn cực lớn.
Trong một thế giới bóng đá "phẳng" như hiện tại, những động thái dù nhỏ nhất từ những nền bóng đá hàng đầu đều sẽ có tác động đến toàn bộ cuộc chơi. FIFA và UEFA sẽ khó lòng ngăn cản European Super League ra đời nhưng nếu họ có thể thỏa hiệp và đàm phán để tránh những tác động tiêu cực từ sự kiện này sẽ giúp bóng đá thế giới tránh khỏi sự rối loạn.
Tuy nhiên, nếu FIFA và UEFA không thể giải quyết một cách êm đẹp trước cuộc "ly khai" mang tên European Super League, làn sóng Super League sẽ lan rộng đến những châu lục khác và ngày bóng đá thế giới trở nên khó lường, mất kiểm soát e rằng không còn quá xa./.