Vén màn bí ẩn ở ĐT Việt Nam
Khác với cấp độ U22 hay U23, khán giả Việt Nam mới chỉ có 1 lần được xem ĐTQG dưới thời HLV Park Hang Seo đá giao hữu. Đó là trận hòa 1-1 với CHDCND Triều Tiên trên sân Mỹ Đình ngày 25/12/2018.
Các trận giao hữu/đá tập khác của ĐT Việt Nam trong gần 3 năm qua đều diễn ra sau cánh cửa đóng kín. Người hâm mộ và giới truyền thông có khá ít “hiểu biết” về cung cách thử nghiệm, lựa chọn nhân sự của thầy Park ở cấp độ đội tuyển cao nhất.
Thiếu dữ kiện, những ý kiến phản biện sắc sảo về danh sách ĐT Việt Nam khó lòng xuất hiện. Giới mộ điệu cũng thiếu cơ sở để đánh giá vì sao “cầu thủ A, cầu thủ B” không được gọi lên tuyển.
Với quân số lên tới 35 người (đã trừ Đoàn Văn Hậu và Nguyễn Hai Long dính chấn thương), hai trận giao hữu sắp tới với U22 Việt Nam sẽ là dịp để bổ sung hàng loạt dữ kiện về “chiến lược tuyển dụng” của ĐT Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo.
U22 Việt Nam “mới” ra mắt
Trận giao hữu với ĐT Việt Nam tại Cẩm Phả sẽ là lời chào từ U22 Việt Nam “mới” gửi đến người hâm mộ. Đây là thế hệ U22 Việt Nam của thầy Park, sau thế hệ làm nên kỳ tích Thường Châu và thế hệ giành HCV SEA Games 30.
Hai thế hệ đi trước đều sớm nổi danh ngay từ cấp độ U19. Nếu như lứa cầu thủ 1995-1997 tạo nên cơn sốt với lối đá đẹp mắt, thì lứa cầu thủ 1997-1999 đã giành vé tham dự U20 World Cup.
Trong khi đó, dàn cầu thủ U22 Việt Nam hiện tại vẫn còn khá xa lạ với người hâm mộ. Nhưng sang năm 2021, họ sẽ là tâm điểm chú ý khi gánh vác kỳ vọng ở Vòng loại U23 châu Á và giấc mơ vàng môn bóng đá nam tại kỳ SEA Games 31 trên sân nhà.
Hậu vệ Dụng Quang Nho đã tuyên bố: “Nếu có thể, U22 Việt Nam đặt mục tiêu thắng ĐT Việt Nam ít nhất 1 trong 2 trận sắp tới”. Hãy chờ xem, những người học trò mới của thầy Park có nói được làm được?./.