Chứng kiến màn trình diễn thuyết phục của đội tuyển U19 Việt Nam thời gian qua, nhiều người hâm mộ đã mơ đến một ngày Công Phượng và các đồng đội có thể gia nhập đội bóng hùng mạnh Arsenal - CLB liên kết với Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, hoặc một đội bóng nào đó của Ngoại hạng Anh. Tuy vậy, giấc mơ đó chắc chắn không thể thành hiện thực trong tương lai gần.
Theo quy định cấp giấy phép lao động hiện hành của FA, cầu thủ muốn chơi bóng tại Anh phải đến từ quốc gia có đội tuyển xếp ở vị trí cao hơn hoặc bằng 70 trên bảng xếp hạng của FIFA tính trong hai năm gần nhất.
Là sản phẩm của một lò đào tạo liên kết với Arsenal, nhưng Công Phượng chưa thể thi đấu ở Anh cho "Pháo thủ" hay bất kỳ CLB nào khác. (ảnh: Đức Đồng).
Việt Nam đang xếp thứ 139 trên bảng thứ bậc FIFA và trong lịch sử, đội tuyển của chúng ta cũng chưa bao giờ vươn lên quá vị trí thứ 100. Theo thống kê của FA, vị trí trung bình của Việt Nam trên bảng thứ bậc FIFA từ tháng 9/2012 đến tháng 8/2014 là 136.Do đó, Công Phượng hay bất kỳ các cầu thủ Việt Nam nào khác sẽ không thể nhận được giấy phép lao động ở Anh và hệ quả là không thể ký hợp đồng thi đấu chuyên nghiệp cho các CLB.
Ngoài ra, FA cũng có một quy định hết sức ngặt nghèo khác là các cầu thủ nếu được gọi vào đội tuyển quốc gia phải thi đấu ít nhất 75% số trận trong vòng hai năm gần nhất thì mới được chấp thuận hoàn thành thủ tục xin giấy phép lao động. Đó là chưa kể những quy định về thời hạn hợp đồng và khả năng sử dụng tiếng Anh.
Các quy định này được FA đưa ra nhằm tuyển chọn những cầu thủ tốt nhất trên thế giới đến chơi bóng tại Anh. Tuy nhiên, những quy định đó cũng khiến cầu thủ triển vọng ở các quốc gia vùng trũng - như Đông Nam Á - không thể đến với Ngoại hạng Anh.
Trước đây từng có trường hợp một số cầu thủ Thái Lan, như Teerathep Winothai, được làm việc với các câu lạc bộ của Ngoại hạng Anh, nhưng đều theo dạng học việc hoặc liên kết đào tạo chứ không thi đấu chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, nếu đủ khả năng, các cầu thủ Việt Nam vẫn có thể tìm kiếm cơ hội ở các giải đấu hàng đầu châu Âu khác như La Liga, Serie A, Bundesliga… những nơi có ít quy định ngặt nghèo hơn./.