Việt Nam vừa giành quyền đăng cai Đại hội thể thao châu Á (ASIAD 18) vào năm 2019. Đây không chỉ là sự kiện thể thao quốc tế quan trọng, mà còn mang ý nghĩa văn hóa lớn và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Trần Văn Mạnh – Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam về vấn đề này.

PV:Thưa ông, việc giành quyền đăng cai Đại hội thể thao châu Á ASIAD 18 vào năm 2019 có ý nghĩa như thế nào với thể thao Việt Nam?

Ông Trần Văn Mạnh: Việc giành quyền đăng cai Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 năm 2019 tại Hà Nội là một vinh dự lớn đối với Việt Nam. Điều này hết sức ý nghĩa, tạo dấu ấn quan trọng trong lịch sử phong trào thể thao Olympic Việt Nam.

hoptt.jpg
Ông Trần Văn Mạnh (giữa), Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam.

Thông qua việc tổ chức Đại hội thể thao châu Á, chúng ta sẽ có nhiều hiệu quả to lớn, không chỉ cho ngành thể thao Việt Nam, phong trào Olympic Việt Nam mà còn cho nhiều lĩnh vực, ngành ban khác.

Số lượng người tham dự đại hội này rất đông, lên tới 11.000 người, cho nên thông qua việc tổ chức sự kiện thể thao quốc tế, các quốc gia sẽ đánh giá cao khả năng, trình độ, kinh nghiệm của Việt Nam về tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế.

Một việc rất quan trọng và có ý nghĩa hơn cả là thông qua đại hội thể thao này, Việt Nam sẽ quảng bá tuyên truyền về đất nước, con người không những chỉ ở khu vực châu Á mà còn trên toàn thế giới.

PV:Đây là một sự kiện quan trọng với thể thao nước nhà, tuy nhiên đó cũng là một thách thức. Vậy ngành thể thao Việt Nam đặt lộ trình cho việc tổ chức sự kiện này như thế nào?

Ông Trần Văn Mạnh: Việc quan trọng với chúng ta là ngay sau khi giành quyền đăng cai thì phải có báo cáo với Chính phủ, trình đề án tổ chức để chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó chúng ta sẽ bám theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng chính phủ vì trong đề án có hết quy trình, công việc cần phải làm.

Tôi thấy có 3 vấn đề cần tập trung nhất ngay sau khi chúng ta giành quyền đăng cai. Đó là công tác tổ chức điều hành, tiếp theo là chuẩn bị cơ sở vật chất, công trình phục vụ tại đại hội.

Qua đánh giá của phái đoàn Olympic châu Á, nhìn chung, chúng ta tiếp tục sử dụng các công trình cũ cho đại hội vì vẫn đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, vẫn phải nâng cấp, bảo dưỡng, duy tu để làm sao đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế.

Trong tổng số cơ sở vật chất mà chúng tôi đã làm việc kiểm tra đánh giá, chúng ta phải nâng cấp khoảng 80% công trình. Trong số 20% công trình mới thì chính phủ đã phê duyệt diện tích đất 245ha tại Xuân Trạch (Đông Anh, Hà Nội).

Vấn đề thứ 3 là công tác chuẩn bị lực lượng vận động viên, chúng ta vẫn phải tiếp tục đào tạo lực lượng để làm sao có thể giành vị trí đúng như trong đề án đề ra. Đó là nằm trong tốp 10 châu Á.

PV:Tổ chức ASIAD trong hoàn cảnh kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, vậy ngành thể thao có kế hoạch vận động nguồn tài chính để tổ chức bằng cách nào?

Ông Trần Văn Mạnh: Trong quá trình tham mưu cho lãnh đạo các cấp và trình Chính phủ kế hoạch vận động đăng cai. Chúng tôi cũng có bản dự toán kinh phí. Trong đó có các giải pháp về tài chính. Thứ nhất là từ nhà nước, ở Trung ương và địa phương. Thứ 2 là nguồn kinh phí xã hội hóa. Thứ 3 là nguồn tài trợ của các tổ chức cá nhân.

Theo như đánh giá của lãnh đạo TDTT, phái đoàn Olympic châu Á và kinh nghiệm của các nước đã tổ chức, nguồn kinh phí dự trù cho đến lúc tổ chức thực tế chắc chắn sẽ tăng so với dự toán ban đầu. Nếu chúng ta tính toán chặt chẽ thì sẽ tăng khoảng 10%.

Hiện tại, theo kế hoạch, chúng tôi đang làm dự thảo nguồn kinh phí mang tính chất dự toán. Trong điều kiện tổ chức thì đó sẽ là nguồn kinh phí để tổ chức. Đồng thời, chúng tôi cũng tính tới nguồn xã hội hóa của các tổ chức hay nguồn thu khác từ đại hội.

Yêu cầu của Đại hội thể thao châu Á rất khắt khe, theo đúng qui định của hội đồng Olympic châu Á, các Liên đoàn thể thao quốc tế, việc tổ chức đại hội này đòi hỏi sự kết hợp của nhiều ngành khác chung sức tham gia.

PV:Xin cảm ơn ông./.