Lần đầu tiên, Hải Phòng được chọn là nơi diễn ra giải bóng đá U21 quốc gia cúp báo Thanh Niên sau 16 năm giải đấu diễn ra ở các tỉnh phía Nam và Nam Trung bộ. Ý nghĩa hơn, năm nay Hải Phòng được chọn là thành phố đăng cai Năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng. Thế nhưng ở trận khai mạc có đội chủ nhà thi đấu, các khán đài Lạch Tray vốn nổi tiếng với sự cuồng nhiệt lại rất vắng vẻ, khác với sự mong đợi của giới báo chí có mặt ở đây.
u21.jpg
Sân Lạch Tray vắng bóng khán giả tại VCK U21 toàn quốc

Có lẽ các ca sĩ được mời đến hát tại lễ khai mạc giải U21 quốc gia năm nay cũng có đôi chút bất ngờ khi lượng khán giả đến sân ít như vậy. Ngay cả trận khai mạc giữa U21 Vicem Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh diễn ra sau đó cũng chẳng có thêm nhiều khán giả vào sân theo dõi. Sân Lạch Tray thường chật kín khán giả mỗi khi đội nhà đá tại V League, ấy thế mà khi các cầu thủ trẻ của họ thi đấu, sân lại vắng vẻ đến lạ thường. Lác đác một số người ở khán đài B, khán đài A đông nhất, nhưng đa phần là khách mời, đội kèn trống và các em nhặt bóng.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hiền, chủ tịch hội cổ động viên thành phố Hải Phòng, các khán đài vắng người bởi giá vé chưa hợp lý. Ông Nguyễn Mạnh Hiền chia sẻ: “Tôi mong muốn ban tổ chức hãy làm như các địa phương khác đã tổ chức giải U21 các năm trước. Ví dụ như Đà Nẵng mở cửa tự do. Nếu vì phải chi phí trang trải và 1 số lý do khác thì tại sao không thu như Ninh Thuận? Tôi nghĩ nếu ngày hôm nay giá vé ở mặt bằng 2-30.000 VND thì với sân này, khán đài A, B sẽ kín”.

Liên lạc với ban tổ chức mà đại diện là báo Thanh Niên, nhà báo Trần Quang Tuyến cho biết toàn bộ việc bán vé và quản lý sân là về phía ban tổ chức địa phương chịu trách nhiệm. Ban tổ chức giải là báo Thanh Niên đã đề nghị giá vé chỉ nên bằng hoặc thấp hơn các địa phương khác.

“Chúng tôi đã nói rất rõ rằng, đối với giải bóng đá trẻ, chúng ta nên tạo điều kiện cho khán giả vào sân nhiều để có sự động viên cổ vũ với các em. Chúng tôi cũng đưa ra mức giá giống các địa phương khác, khoảng 40.000 VND là cao nhất. Thậm chí ở Bình Dương, Gia Lai, chúng tôi không bán vé. Không hiểu tại sao bên BTC địa phương lại đưa mức ra mức giá cao gấp đôi mức đề nghị” – ông Trần Quang Tuyến nói.

Trao đổi với báo chí, Đại tá Đặng Ngọc Oanh, Tổng giám đốc công ty Nam Triệu, đơn vị chịu trách nhiệm phân phối vé giải đấu này cho biết lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo kiên quyết không giảm giá vé: “Phó chủ tịch thành phố duyệt giá vé, đề xuất là Sở Văn hoá, cục Thuế, công ty Nam Triệu và Vicem. Chúng tôi cũng đã đề nghị hạ giá nhưng thành phố không đồng ý”.

U21 Vicem Hải Phòng ra quân thắng lợi, lên ngôi đầu bảng. Nhưng trong phát biểu của cầu thủ Nguyễn Văn Hiếu, cầu thủ gốc Hải Phòng – người ghi bàn đem lại chiến thắng đầu tiên cho Hải Phòng lại không được vẹn tròn niềm vui: “Đây là trận đầu tiên của giải nhưng các cổ động viên của Hải Phòng đến rất ít vì vấn đề vé. Tôi hy vọng, sau trận đấu này, các cổ động viên sẽ đến sân Lạch Tray để cổ vũ cho U21 Hải Phòng nhiều hơn”.

Mong muốn đó không chỉ của cầu thủ Văn Hiếu mà còn là của người dân Hải Phòng, nơi nổi tiếng với sự cuồng nhiệt đam mê trái bóng tròn. Đó còn là mong muốn của những người tâm huyết với bóng đá trẻ, muốn bóng đá trẻ được quan tâm nhiều hơn. Mong rằng những người có quyền quyết định sẽ sớm đưa ra những giải pháp  hợp lý để cho giải U21 quốc gia trong lần đầu tiên trở lại miền Bắc sau 17 năm không bị ngoảnh mặt./.