Trong biên bản gửi báo chí tổng kết phiên họp thứ tư nhiệm kỳ 2014-2017 của HĐQT VPF có ghi rõ, đơn vị đăng cai tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp cho bóng đá Việt Nam dự thu về ở mùa giải 2016 gồm V-League, Cúp QG, giải hạng Nhất QG 2016 lên tới 131,135 tỷ đồng, trong đó có 30 tỷ đồng từ bản quyền truyền hình.
Đây chắc chắn sẽ là một trong những chi tiết đáng lưu ý trong bản kế hoạch của VPF cho mùa giải tới bởi số tiền này nhiều đến mức khiến mọi người phải ngỡ ngàng. Thực tế cho thấy, ngoại trừ năm đầu tiên tiếp quản công tác tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp (2012) VPF có lãi, còn lại trong 3 năm qua, Ban tổ chức giải đều chỉ thu về 70-80% mức dự thu ban đầu.
Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng và cựu TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn tại phiên họp HĐQT thứ 4 nhiệm kỳ 2014-2017. (Ảnh: VPF). |
Chuyện này không có gì đáng nói, bởi đây chỉ là mức dự thu đề ra ban đầu và có rất nhiều biến động trong thời gian từ lúc chuẩn bị, cho tới khi mùa giải bắt đầu và kết thúc. Thế nhưng con số 131,135 tỷ đồng, tức gần gấp 2 lần tổng thu của VPF mùa 2015 (khoảng 75 tỷ đồng) thực sự khó hiểu.
Trong bối cảnh suy thoái của bóng đá nước nhà khi ĐTVN và U23 VN thi đấu không thật sự thành công, còn giải đấu cao nhất trong nước là V-League để lại quá nhiều vết “gợn” từ bạo lực sân cỏ, tới công tác trọng tài hay đặc biệt là vấn nạn tiêu cực, văn hoá “xin – cho” giữa các đội bóng.
Bóng đá nước nhà trong đó gồm V-League và các giải đấu khác đang sa sút về hình ảnh và chuyên môn trong mắt người hâm mộ. (Ảnh: Minh Hoàng). |
Niềm tin từ người hâm mộ sút giảm kéo theo sự đi xuống không phanh của các nhà tài trợ và hợp đồng tài trợ. Còn nhớ, ở thời điểm Toyota Việt Nam trở thành nhà tài trợ chính thức của V-League 2015, nhiều người đã thắc mắc về thời hạn hợp đồng chỉ là 1 năm và nhận được câu trả lời đầy tế nhị và đơn giản từ lãnh đạo của đơn vị này là do... thời buổi kinh tế khó khăn.
Hay trở lại thời điểm trước đó nữa, khi nhà tài trợ chính Eximbank của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cũng không còn muốn tiếp tục đồng hành cùng V-League hay các giải đấu chuyên nghiệp trong nước sau 3 năm gắn bó, bởi những lý do không chỉ đơn thuần xuất phát từ... kinh tế.
Toyota Việt Nam chỉ "dám" đồng hành cùng V-League trong 1 mùa giải. (Ảnh: Việt Anh). |
Ngay cả bản quyền truyền hình cũng không còn là nguồn thu “béo bở” cho VPF bởi sự sa sút về hình ảnh và chuyên môn của V-League. Đã rất lâu rồi từ thời điểm đại diện của VPF trước đây là “bầu” Kiên trải qua màn “đấu khẩu” kịch liệt với Đài Truyền hình AVG để giành lại bản quyền của giải đấu trong nước.
Ngoại trừ một số sân thi đấu luôn có số lượng CĐV đông đảo như sân Vinh (SLNA), sân Lạch Tray (Hải Phòng)... hay các hiện tượng mới là sân Cẩm Phải (Than Quảng Ninh) hay Pleiku (HAGL), việc bán vé ở các địa điểm thi đấu khác trở nên khó khăn bởi người hâm mộ e ngại việc phải bỏ tiền để tới sân xem “đấu võ” hay những màn kịch “xin – cho”.
Sự xuất hiện của tân TGĐ VPF Cao Văn Chóng (phải) sẽ mang tới luồng gió mới? (Ảnh: Hà Khánh). |
Tân TGĐ VPF, Cao Văn Chóng từng rất thành công với việc làm “kinh tế” và điều hành, quản lý thương hiệu ở B.Bình Dương, CLB đang giữ kỷ lục với 4 lần vô địch giải đấu cao nhất trong nước. Thế nhưng, chắc chắn không phải sự xuất hiện của vị “thuyền trưởng” mới này mà dự thu của VPF trong mùa 2016 có thể tăng... gấp đôi theo cách đột biến như vậy, trong bối cảnh bóng đá nước nhà sa sút.
Vậy, mức dự thu VPF thống nhất trong biên bản gửi truyền thông ở mùa giải 2016 lên tới 131,135 tỷ đồng dựa trên cơ sở nào, và tiền tỷ ở đâu ra? Câu hỏi này cần thời gian để trả lời./.