Trong những ngày qua, Tottenham và Chủ tịch Daniel Levy luôn là tâm điểm thu hút sự chú ý trên các trang báo ở xứ sở sương mù. Không chỉ nhận rất nhiều chi trích khi là CLB bất chấp tất cả để tiên phong trong việc cắt giảm lương và nhân sự do khủng hoảng tài chính thời Covid-19, Gà trống còn khiến tất cả xôn xao với tuyên bố "ra giá" 200 triệu Bảng với MU cho thương vụ Harry Kane.
Khi những toan tính biến Harry Kane thành "vật tế thần" của Chủ tịch Daniel Levy còn nhận nhiều ý kiến trái chiều thì một lần nữa, Tottenham trở thành tâm điểm chỉ trích của chính người hâm mộ đội bóng này với thông tin sẽ "bán tên" White Hart Lane - sân vận động họ vừa xây dựng xong với tổng kinh phí khoảng 1 tỷ Bảng và vẫn chưa thanh toán xong khoảng nợ 637 triệu, để mang về khoảng 250 triệu Bảng.
Clip Tottenham bế tắc trong cuộc khủng hoảng tài chính thời Covid-19
(Nguồn: Daily Mail)
Cụ thể, Amazon và Nike đang là 2 ứng viên hàng đầu trong thương vụ này khi Chủ tịch Tottenham Daniel Levy mong muốn thu về 25 triệu Bảng/mùa để "bán tên" sân vận động. Việc chấp nhận để White Hart Lane mang tên thương hiệu quảng cáo trong 10 năm có thể sẽ giúp Gà trống có tiền trang trải khoản nợ đầu tư xây dựng sân vận động trước đó, đồng thời vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính vì Covid-19 trước mắt.
Không những vậy, số tiền "bán tên", tức hi sinh cả White Hart Lane có thể giúp Tottenham giữ lại chân sút chủ lực và được xem là biểu tượng của CLB là Harry Kane, người đang được MU săn đón và hoàn toàn đủ khả năng chồng đủ 200 triệu Bảng.
Thế nhưng, mặt trái của việc giải được bài toán kinh tế mà Chủ tịch Daniel Levy đau đáu bấy lâu nay chính là việc bị CĐV đội nhà quay lưng. White Hart Lane sau khi được xây dựng và nâng cấp đã có thêm gần 20.000 chỗ ngồi, nhưng để làm gì nếu người hâm mộ Gà trống quay lưng và "tẩy chay" đội bóng vì "bán tên" sân vận động hay để Harry Kane gia nhập kình địch MU - mà cả hai vốn là niềm tự hào bấy lâu nay của họ.
Thực tế, việc "bán tên" sân vận động không phải là điều gì quá mới mẻ trong thời đại thượng hiệu hóa toàn cầu và mang lại cho các đội bóng nguồn doanh thu đáng kể.
Man City từng "đổi tên" sân nhà là Maine Road thành Etihad để nhận một khoản tiền khổng lồ, qua đó "lách luật" công bằng tài chính từ UEFA vì mua sắm cầu thủ vô tội vạ. Đội bóng cùng thủ đô London và cũng là đại kình địch của Tottenham là Arsenal sau khi xây dựng sân vận động mới thì cũng chuyển thành tên gọi Emirates thay vì Highbury như trước đó. Không chỉ các CLB ở Anh và cả ở Italy, Tây Ban Nha... tất cả đều sẵn sàng "đổi tên" sân vận động để kiếm tiền trang trải.
Đây là lý do mà Chủ tịch Daniel Levy tỏ ra khá bế tắc trong việc lựa chọn để Harry Kane gia nhập MU và nhận số tiền chuyển nhượng kỷ lục thế giới 200 triệu Bảng, hay "bán tên" White Hart Lane trở thành Nike hoặc Amazon trong 10 năm sắp tới để có thêm 250 triệu Bảng và giữ chân được tiền đạo chủ lực của đội nhà./.