Không phủ nhận Công Phượng có khả năng đi bóng tốt và đã có những siêu phẩm mang bóng dáng thiên tài Maradona, Messi. Bàn thắng vào lưới U19 Australia ở giải U19 Đông Nam Á 2014 là một ví dụ, hay mới đây là pha đi bóng vượt qua 4 cầu thủ U21 (thực chất là U18) Gangwon để ấn định chiến thắng 3-1 cho U21 HAGL ở giải U21 Quốc tế.

Nhưng để có được những siêu phẩm ấy, Phượng buộc phải chơi cá nhân với tỷ lệ thành công của những pha đi bóng cực thấp.

unnamed_4__apbw.jpg
Sự bất lực của Công Phượng trong trận đấu với Yokohama. (Ảnh: Bích Thùy)

Khi Công Phượng lạm dụng khả năng đi bóng, anh luôn gặp các vấn đề sau. Thứ nhất, đuối sức ở những quãng cuối và không còn đủ lực, đủ sự quyết đoán để tung ra những pha dứt diểm chính xác. Nó thường trúng vị trí thủ môn hoặc nhẹ hoặc bị đánh chặn trước khi kịp ra chân.

Thứ hai, anh luôn phải lùi sâu để nhận bóng. Và từ một tiền đạo, Công Phượng lại giống như một tiền vệ tự do. Đó là lý do khiến Công Phượng rất ít khi ghi bàn theo kiểu một tiền đạo di chuyển thông minh trong vòng cấm, chọn vị trí để kết thúc.

Thầy Giôm tiết lộ, Công Phượng thực chất bắt đầu bằng vị trí số 6 chứ không phải một tiền đạo. Anh là cầu thủ có sự sáng tạo, luôn lao về phía trước để tìm cách phá vỡ sự liên kết của đối phương.

Đúng như lời thầy Giôm nói, Công Phượng vẫn chơi bóng theo bản năng của một tiền vệ tự do. Tất nhiên, cái “tự do” mà Phượng có được thường thấy dưới trướng thầy Giôm vì ông thầy người Pháp có vẻ chiều Công Phượng.

Khi thoát khỏi thầy Giôm, Phượng không còn được như thế. Anh phải vào một khuôn khổ, phải đơn giản hóa, phải đặt tính hiệu quả lên hàng đầu và khi đó, anh khá mờ nhạt.

Một vấn đề nữa ai cũng nhìn thấy, khi Phượng bị bắt bài, anh gần như không thoát ra được. Những siêu phẩm của Phượng đến nhiều ở những giải đấu trẻ, khi mà các cầu thủ cùng trang lứa chưa đủ kinh nghiệm để ngăn chặn. Còn trước những đối thủ có tầm hơn, có đủ kinh nghiệm hơn, Phượng bị khóa chặt. Nói đâu xa, sân chơi V-League cũng đủ khiến cho Phượng mất dạng.

Ở góc độ tâm lý, Phượng cũng chịu sức ép ngược từ kỳ vọng của người hâm mộ mà những cầu thủ khác ít khi gặp phải.

Theo lẽ thường, người hâm mộ, đặc biệt là người yêu bóng đá đẹp luôn mong đợi được chứng kiến những siêu phẩm trên sân. Vì thế mỗi lần Công Phượng có bóng và bắt đầu bứt tốc, mọi con mắt lập tức dồn về phía anh với một sự tò mò, hy vọng và cả những tiếng hô.

Trước những khích lệ và hy vọng ấy, Phượng lại càng muốn thể hiện mình nhiều hơn. Sự thiếu tiết chế dẫn đến lạm dụng, dẫn đến tỷ lệ thất bại càng cao. Khi tỷ lệ thất bại tăng, áp lực tâm lý cũng tăng theo.

Tóm lại, nếu không tư duy lại cách chơi bóng, cách phân phối sức, luyện thêm kỹ năng dứt điểm, chạy chỗ… tức là trang bị cho mình những kỹ năng nhanh gọn của một sát thủ, Công Phượng sẽ mãi là thần đồng không lớn!/.