Hành trình tăng giá “phi mã” của bản quyền Ngoại hạng Anh

Trước năm 2007, người hâm mộ tại Việt Nam không cần phải trả tiền để xem Premier League. Giải đấu này từng chiếu trên các kênh quảng bá của VTV và người hâm mộ được xem hoàn toàn miễn phí.

Cuộc cạnh tranh giữa các nhà đài trong nước đã khiến giá Bản quyền Ngoại hạng Anh tăng “phi mã” trong những năm gần đây. (Ảnh: AP)

Bước ngoặt của “cuộc chiến bản quyền” đến vào năm 2007, khi đài truyền hình kỹ thuật số VTC vừa thành lập đã bỏ ra 3,9 triệu USD (khoảng 54 tỉ đồng vào thời điểm đó) để độc quyền gói bản quyền Ngoại hạng Anh trong 3 mùa giải 2007-2010. Việc VTC mua độc quyền gói bản quyền Ngoại hạng Anh đã phá vỡ đi thế trận đàm phán “một mối” của VTV và khiến các công ty nước ngoài bắt đầu chú ý đến thị trường Việt Nam.

Kể từ lúc này, người hâm mộ Việt Nam không còn được xem Ngoại hạng Anh miễn phí mà phải trả tiền để mua đầu thu, tiền thuê bao hàng tháng mới có thể thưởng thức giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh.

Năm 2010, đến lượt K+ thắng thầu gói bản quyền Ngoại hạng Anh ba mùa (từ 2010 – 2013). Nhưng số tiền để K+ giành được gói bản quyền không hề nhỏ: khoảng hơn 9 triệu USD, gấp gần ba lần so với số tiền trước đó VTC bỏ ra.

 Nhưng sức tăng “phi mã” của bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh chưa dừng lại ở đó. Năm 2013, con số mà K+ phải trả cho IMG để sở hữu gói bản quyền từ 2013 – 2016 đã lên tới 33,5 triệu USD (tiếp tục tăng gấp 3 lần).

Ba mùa tới giá bản quyền sẽ tiếp tục tăng?

Mới đây, Đài truyền hình Sky Sports đã giành chiến thắng 5/7 gói bản quyền trong khi BT Sport chỉ giành được quyền sở hữu ở 2 hạng mục còn lại. Tổng giá trị mà hai đơn vị truyền hình này phải trả cho BTC Premier League đạt con số kỉ lục 5.136 tỉ bảng Anh, tương đương mức phí 10.2 triệu bảng cho mỗi trận đấu.

Với giá trị bản quyền ngày càng tăng, các nhà đài Việt Nam được dự báo sẽ lại phải bỏ ra số tiền khổng lồ để sở hữu gói bản quyền từ 2016 – 2019. Con số này chắc chắn sẽ không nhỏ hơn 60 triệu USD. Nhìn quanh các nước trong khu vực, Thái Lan phải bỏ ra khoảng 200 triệu USD cho ba mùa giải vừa qua, Singapore là 180 triệu USD và Malaysia là 126 triệu USD. Có thể thấy khả năng “đốt tiền” của Ngoại hạng Anh đối với người hâm mộ bóng đá Đông Nam Á khủng khiếp đến mức nào.

map_rufd.jpg
Bản đồ "moi tiền" trên khắp thế giới của giải Ngoại hạng Anh.

Đối với các nhà đài Việt Nam, việc cân bằng thu chi khi mua gói bản quyền Ngoại hạng Anh trong 3 mùa tới là điều không đơn giản. Bởi người hâm mộ còn nhiều phương tiện khác để xem Premier League, không nhất thiết phải xem qua truyền hình. Chẳng hạn như xem trực tuyến bằng Sopcast hoặc thông qua các trang báo mạng điện tử… Việc các nhà đài bỏ ra khoản tiền lớn để sở hữu bản quyền cũng chưa chắc đã tăng được số thuê bao.

Ông Vũ Quang Huy, giám đốc kênh thể thao VTC3 của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC cho biết: “Việc bỏ ra số tiền khổng lồ để mua bản quyền truyền hình như vậy là rất vô lý. Trong khi, những khoản thu từ bán đầu thu, thuê bao… theo tôi được biết là không đủ để bù lỗ.”

“Để đàm phán có lợi nhất, chúng ta nên tập trung về một mối, không tự ý đàm phán như trước. Ngoài ra, tôi cũng tin là vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước sẽ được thể hiện quyết liệt hơn trong lần này”.

Việc bản quyền Ngoại hạng Anh tiếp tục tăng là điều chắc chắn. Liệu các nhà đài Việt Nam có đủ sức mua bản quyền cho ba mùa giải sắp tới vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Tuy vậy, đối với người hâm mộ Việt Nam thì việc mua hay không mua bản quyền cũng không còn quá quan trọng. Bởi người hâm mộ vẫn có thể thao dõi Ngoại hạng Anh bằng nhiều cách thông qua các phương tiện trên internet./.