Gần 1 tháng sau khi mùa giải 2013 hạ màn, VPF vẫn như ngồi trên đống lửa do chưa đòi… hết nợ. Theo quy định, 12 đội dự V-League 2013 đều phải đóng 500 triệu đồng lệ phí tham dự giải. Tuy nhiên, đến hết ngày 16/9, VPF vẫn chưa bắt được tín hiệu “đòi” được 500 triệu lệ phí dự giải của 4 đội bóng gồm V.Ninh Bình, SLNA, Thanh Hóa và K.Kiên Giang.

Không chỉ vậy, dù nằm trong nhóm cổ đông sáng lập VPF, nhưng sau 2 năm VPF đi vào hoạt động, VPF cũng không tài nào đòi được số tiền từ các cổ đông cực kỳ chây ì của mình: Hải Phòng, K.Kiên Giang, V.Ninh Bình và Thanh Hóa. Theo quy định, mỗi cổ đông sáng lập của VPF phải đóng 1 tỷ 170 triệu đồng, nhưng bốn đội bóng trên mới góp vốn cho VPF 600 triệu đồng. 570 triệu đồng góp vốn còn lại, V.Hải Phòng, K.Kiên Giang, V.Ninh Bình, Thanh Hóa đều… nợ và chưa có ý kiến, có góp vốn vào VPF nữa hay không.

no1.jpg

Dậm chi tiền tỷ chiêu mộ ngoại binh nhưng Thanh Hóa vẫn chây ì đóng tiền lệ phí

Trong nhóm “con nợ” mà VPF mới tiết lộ, Thanh Hóa và V.Hải Phòng là hai cái tên gây sốc nhất. Trong khi V.Hải Phòng từng tiêu tiền không biết chùn tay, Thanh Hóa lại đang nổi lên như là đội bóng rủng rỉnh có hạng ở V-League 2013. Chỉ riêng mùa bóng này, có tin cho hay, Thanh Hóa có trong tài khoản 70 tỷ đồng để chi tiêu. Vì vậy, từ mùa bóng 2012 đến nay, Thanh Hóa là một trong những cái tên năng động nhất trên thị trường chuyển nhượng. Ngoài ra, Thanh Hóa cũng được xem là điển hình, vì có đến 12 doanh nghiệp xứ Thanh cùng góp vốn nuôi đội bóng.

Theo lý giải của Chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ, Thanh Hóa không phải không có tiền đóng cho VPF. Tuy nhiên, đội bóng xứ Thanh vẫn… chây ì, bởi họ đòi hỏi VPF phải minh bạch. “Đã dự giải thì phải đóng tiền đầy đủ. Nhưng chúng tôi yêu cầu VPF phải minh bạch, công khai tài chính thì lập tức, Thanh Hóa sẽ đóng góp đầy đủ”, bầu Đệ đưa lý do không chịu đóng tiền.

Đối với những “con nợ” khác, VPF cũng thấu hiểu nguyên do khiến họ bị nợ đọng. K.Kiên Giang dù được chính ngân hàng của Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng chống lưng, nhưng suốt mùa 2013 phải vật vã với chuyện tiền nong. Mới nhất, K.Kiên Giang còn đối mặt với vụ kiện đòi hơn 1 tỷ đồng của 6 cầu thủ khoác áo đội bóng này trong mùa 2013. Trong khi đó, SLNA chấp nhận “bán máu” khi cho Công Vinh rời đội sớm để sang Nhật thi đấu, đồng thời ngửa tay nhận tiền do CĐV xứ Nghệ quyên góp nuôi đội bóng.

Công văn nhắc nhở, đòi nợ vẫn không có tín hiệu hồi âm, VPF đành phải ngậm bồ hòn tự xử bằng giải pháp riêng. Sau phiên họp của HĐQT VPF ở TP.HCM, giải pháp bất đắc dĩ đưa ra là cắt tiền hỗ trợ di chuyển đến sân khách của V.Ninh Bình, Thanh Hóa, SLNA và K.Kiên Giang (30 triệu đồng/ trận/đội). Riêng 4 cổ đông chây ì góp vốn là V.Hải Phòng, K.Kiên Giang, V.Ninh Bình và Thanh Hóa, VPF từ chối chia khoản hỗ trợ kinh phí theo thứ hạng ở mùa 2013. Tổng giá trị gói hỗ trợ này cho riêng 11 đội dự V-League 2013 là 15 tỷ đồng. Trong đó, Thanh Hóa chịu thiệt nhất, vì đội bóng xứ Thanh đã cán đích ở vị trí thứ 5, có thể nhận khoảng 1 tỷ đồng nếu hoàn tất các nghĩa vụ tài chính.

Theo Tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn, mùa tới VPF nhất định không chịu cảnh “thả gà ra đuổi”. Vì vậy, những đội không đóng tiền cổ đông, lệ phí trước khi bốc thăm xếp lịch đều không được dự V-League. Thậm chí đội bóng không chứng minh được nguồn tài chính đảm bào cũng bị từ chối đá ở V-League, vì VPF quán triệt phương án còn bao nhiêu chơi bấy nhiêu. Mặt khác, đội bóng nào bỏ chơi sau khi xếp lịch cũng bị phạt tối thiểu 500 triệu đồng, bồi thường toàn bộ chi phí tổ chức giải liên quan đến CLB cho đến lúc bỏ giải./.