Theo thông tin từ Ban tổ chức SEA Games 26, người hâm mộ thể thao nhiều khả năng sẽ chỉ được theo dõi các sự kiện của 12 môn thể thao tại SEA Games 26, tổ chức ở Indonesia vào cuối năm nay. 30 môn còn lại thuộc diện bán bản quyền truyền hình.

Ban tổ chức SEA Games 26 cho biết, thể theo yêu cầu và truyền thống của các kỳ SEA Games, Indonesia sẽ không bán bản quyền truyền hình đối với các môn thể thao thu hút nhiều khán giả. Tuy nhiên, các môn còn lại sẽ nằm trong diện bán bản quyền truyền hình, để ban tổ chức có nguồn thu, cân đối với các khoản kinh phí đã đầu tư để tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất khu vực này.

12 môn thể thao không thuộc diện bảo hộ bản quyền là bóng đá nam, bóng đá trong nhà, điền kinh, thể thao dưới nước (bơi, nhảy cầu, lặn...), thể dục dụng cụ, boxing, đua thuyền, cầu lông, cử tạ, bóng rổ, bóng chuyền, quần vợt. Lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 26 cũng không thuộc diện bán bản quyền.

Số lượng chính thức các môn thể thao trong diện bán bản quyền truyền hình sẽ được quyết định trong hội nghị các Trưởng đoàn thể thao, tổ chức vào ngày 18/8 tới tại Jakarta, Indonesia.

Năm 2007, ban tổ chức SEA Games Thái Lan lần đầu tiên đặt ra vấn đề bán bản quyền truyền hình, sau khi ủy quyền đàm phán thương mại cho một công ty truyền thông tư nhân. Quyết định này đã gây nên nhiều sóng gió trong làng thể thao khu vực và vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía các nước trong khu vực. Sau đó, ban tổ chức SEA Games của Thái Lan đã phải tuyên bố không bán bản quyền các sự kiện thể thao, nhưng hạn chế số lượng các sự kiện được tường thuật, truyền hình, truyền thanh.

Năm 2009, SEA Games 25 tổ chức tại Lào. Ban tổ chức kỳ SEA Games này cũng có ý định thăm dò dư luận về vấn đề bản quyền, nhưng sau đó phải rút lui vì không nhận được sự ủng hộ của các nước trong khu vực./.