"Cảm ơn tất cả các bạn vì đã cung cấp sự hỗ trợ. Điều này rất cần thiết nhưng nhà lãnh đạo Nga vẫn có cơ hội để leo thang căng thẳng và đây là mối đe dọa với tất cả chúng ta. Phản ứng trước hành vi khủng bố của Nga, các cuộc trưng cầu ý dân giả và nỗ lực sáp nhập lãnh thổ của chúng tôi, chúng ta có thể áp dụng "kế hoạch hòa bình" này để quốc gia khủng bố trên không có bất kỳ cơ hội nào nữa", ông Zelensky bình luận.

Đứng đầu trong danh sách trên là đảm bảo hòa bình bằng cách tăng cường hệ thống phòng không của Ukraine, Tổng thống Zelensky cho hay.

Ông kêu gọi thiết lập một "lá chắn phòng không" và nói rằng việc ngăn chặn Nga tấn công tên lửa Ukraine cũng như ngăn chặn các cuộc không kích bằng UAV là chìa khóa để hỗ trợ Kiev, bởi các lực lượng của Ukraine đang tiếp tục đạt được các bước tiến trên chiến trường.

Tổng thống Zelensky không nêu cụ thể hình thức của "lá chắn phòng không" hay liệu nó có giống hệ thống phòng thủ "Vòm Sắt" của Israel hay không.

Thay vào đó,ông kêu gọi tất cả lãnh đạo từ Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Anh hỗ trợ tài chính cho Kiev để thiết lập hệ thống "lá chắn phòng không". Ông cũng kêu gọi Pháp và Italy xúc tiến việc cung cấp hệ thống phòng không SAMP-T và cảm ơn Đức vì đã "tăng cường cung cấp IRIS” - đầu dò hồng ngoại tầm trung cho hệ thống tên lửa không đối không.

Tổng thống Zelensky cũng cảm ơn Tổng thống Biden vì "quyết định cung cấp các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa hiện đại".

Theo ông Zelensky, Mỹ đã nhất trí cung cấp "các hệ thống tầm xa", điều mà Washington từ chối thực hiện trong những tháng qua do lo ngại xung đột ở Ukraine leo thang thành cuộc chiến toàn cầu. Nhà Trắng và Lầu Năm Góc chưa lên tiếng xác nhận thông tin này.

Mỹ đã cung cấp cho Ukraine ít nhất 16 hệ thống pháo phản lực HIMARS và các hệ thống nữa đang trên đường tới nước này. Chúng có tầm bắn khoảng 70 km. Tuy nhiên, Ukraine nhiều lần kêu gọi Mỹ cung cấp Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) có tầm bắn khoảng 300km.

Ông Zelensky cũng cho biết các cuộc đàm phán với Tổng thống Putin sẽ không nằm trong "kế hoạch hòa bình" mà ông đề xuất.

"Sẽ không có cuộc đối thoại nào với nhà lãnh đạo này của Nga. Bất chấp những nỗ lực của chúng tôi để đàm phán hòa bình trong những năm qua, ông ấy nói về các tối hậu thư", Tổng thống Zelensky cho hay.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã so sánh những hành động gần đây của Ukraine với các tổ chức khủng bố tàn ác nhất thế giới. Theo nhà ngoại giao Nga, Kiev đã nhận tiền, vũ khí, thông tin tình báo và sự ủng hộ chính trị từ phương Tây trong những năm qua. Chính quyền Kiev gần đây tiếp tục nhận được những thứ này để thực hiện các hành động "phi pháp theo cách thức của những phần tử khủng bố nguy hiểm nhất", bà nhấn mạnh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cũng cho rằng, cuộc tấn công khủng bố gần đây của Ukraine không phải ngoại lệ mà là sự tiếp nối chính sách mà nước này thực hiện trong hàng thập kỷ qua.

Trước đó, Hãng Thông tấn Nhà nước Nga RIA Novosti đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cảnh báo, Moscow có thể tiến hành "các biện pháp đáp trả" nhằm vào Mỹ và châu Âu do "sự can dự ngày càng tăng" của những nước này vào cuộc xung đột ở Ukraine./.