Từ ngày 14/10 đến 10/12/1952, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Việt Nam tổ chức thực hiện thành công Chiến dịch Tây Bắc, giáng đòn nặng nề vào chính sách xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đưa sự nghiệp kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta phát triển vững chắc. Năm nay, tròn 70 năm diễn ra sự kiện này.
Chọn địa bàn Tây Bắc để mở chiến dịch trong Thu Đông 1952
Sau thắng lợi Chiến dịch Biên giới (1950), phát huy quyền chủ động, trong năm 1951, ta mở tiếp 3 chiến dịch lớn ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ (Chiến dịch Trần Hưng Đạo, Chiến dịch Hoàng Hoa Thám, Chiến dịch Quang Trung), nhưng không đạt được mục đích chiến lược đề ra và chịu nhiều tổn thất. Nguyên nhân chính là do ta chọn hướng chiến dịch không phù hợp, vì trung du và đồng bằng là nơi quân địch đông, phát huy được chỗ mạnh của chúng (về hỏa lực, sự cơ động); trong khi đó trình độ, trang bị của bộ đội chủ lực ta cũng còn nhiều hạn chế, nên chưa thể phát huy được sức mạnh và sở trường của mình.
Rút kinh nghiệm từ thực tế đó, nên bước sang năm 1952, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định chuyển hướng, chọn địa bàn Tây Bắc để mở chiến dịch trong Thu Đông 1952. Đây là quyết định rất đúng đắn, chính xác, bởi: Thứ nhất, Tây Bắc là chiến trường có tầm quan trọng về chiến lược, là cầu nối giữa căn cứ địa Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 của ta và vùng Thượng Lào, có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc. Thứ hai, địa hình Tây Bắc chủ yếu là rừng núi chia cắt mạnh, địch khó phát huy thế mạnh của chúng (về pháo binh, không quân, sự cơ động), nhưng lại là nơi phù hợp với trình độ tác chiến và sở trường của bộ đội ta. Thứ ba, lực lượng quân địch cùng hệ thống phòng thủ Tây Bắc tương đối yếu, trong trường hợp bị ta tiến công, quân Pháp sẽ tăng viện đối phó, nhưng không thể khắc phục hết những khó khăn do chúng ở thế bị động, chiến trường rộng lớn, địa hình chia cắt. Ta tuy có gặp một số khó khăn (khó khăn lớn nhất là vấn đề bảo đảm hậu cần) song với quyết tâm cao có thể khắc phục được.
Sau thắng lợi Chiến dịch Biên giới (1950), ta khai thông biên giới Việt - Trung, phá được thế bị bao vây cô lập và tiếp nhận một số viện trợ từ các nước XHCN, tăng cường tiềm lực kháng chiến. Tuy nhiên, từ đây cũng ít nhiều nảy sinh tư tưởng dựa vào viện trợ nước ngoài, tỏ ra nôn nóng muốn “đánh lớn, thắng nhanh”. Mặt khác, do ta chủ quan trong nhận định tình hình nên các chiến dịch thực hiện trong năm 1951, ta thường đề ra nhiệm vụ cao hơn khả năng thực tế, chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ quân sự là tiêu diệt sinh lực địch (càng nhiều càng tốt), phát triển chiến tranh du kích, tiến tới “tổng phản công”.
Nhưng lần này, mục đích, nhiệm vụ của Chiến dịch Tây Bắc được Bộ Chính trị họp bàn kỹ lưỡng. Tây Bắc (bao gồm các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái) là địa bàn có tầm quan trọng về chiến lược, nhưng do địch khủng bố, ra sức tuyên truyền xuyên tạc lừa bịp, nên hiểu biết của nhân dân về cách mạng, về đường lối kháng chiến của Đảng chưa đầy đủ, cơ sở quần chúng của cách mạng yếu, phong trào du kích chiến tranh phát triển không đều. Kinh tế vùng Tây Bắc nghèo nàn, lạc hậu, lại bị địch ra sức vơ vét, bóc lột nên đời sống nhân dân rất khó khăn. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị đề ra ba nhiệm vụ cụ thể của Chiến dịch Tây Bắc: 1- Tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch; 2 - Tranh thủ nhân dân; 3 - Giải phóng một bộ phận đất đai Tây Bắc. Ba nhiệm vụ có mối quan hệ biện chứng với nhau, trong đó tiêu diệt sinh lực địch là nhiệm vụ chính. Như vậy, nhiệm vụ Chiến dịch Tây Bắc đã phản ánh sự kết hợp chặt chẽ, rõ nét hơn giữa nhiệm vụ quân sự với nhiệm vụ chính trị, đây cũng là nét mới về tư duy nghệ thuật quân sự nói chung, nghệ thuật chiến dịch nói riêng của Đảng ta.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh Chiến dịch
Ngay từ tháng 2/1952, Bộ Chính trị đã họp bàn và có ý định sơ bộ mở chiến dịch trên hướng Tây Bắc. Nhưng mọi công việc chuẩn bị chính thức bắt đầu từ tháng 4/1952, trước chiến dịch diễn ra khoảng 5 tháng.
Về tổ chức lực lượng, Bộ Chính trị nhất trí với đề nghị của Tổng Quân ủy, điều động các đại đoàn chủ lực (308, 312, 316) và một số đơn vị binh chủng cùng lực lượng vũ trang địa phương tham gia chiến dịch, do Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp chỉ huy. Tổng quân số trực tiếp chiến đấu trong phạm vi chiến dịch khoảng 35.000 quân (không kể quân số các hướng nghi binh phối hợp). Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được cử làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch.
Công tác bảo đảm hậu cần được Trung ương Đảng đặc biệt coi trọng, vì Tây Bắc là chiến trường xa căn cứ hậu phương của ta, đường vận chuyển phải đi qua địa hình rừng núi hiểm trở, nguồn nhân lực, vật chất tại chỗ hạn chế. Nhưng với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, ta đã huy động được gần 20 vạn dân công từ khắp các Liên khu Việt Bắc, Khu Tây Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 với tổng số gần 7 triệu ngày công tham gia phục vụ chiến dịch. Các địa phương đã cung cấp cho chiến dịch hơn 11.000 tấn gạo, cùng hàng trăm tấn thực phẩm, vật chất khác. Đặt trong hoàn cảnh chiến tranh và khó khăn ngày ấy, đây thực sự là cố gắng phi thường, biểu hiện ý chí cách mạng gang thép và lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân ta, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi cuối cùng của kháng chiến.
Đặc biệt trong chiến dịch này, Chủ tịch Hồ Chí Minh vượt bao khó khăn đường xa đến dự Hội nghị cán bộ bàn kế hoạch tác chiến Chiến dịch Tây Bắc (diễn ra từ ngày 6/9 - 9/9/1952), động viên cán bộ, chiến sĩ, dân công toàn mặt trận ra sức khắc phục mọi khó khăn, nêu cao ý chí quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Để giữ bí mật hướng chiến dịch, “vượt qua” hệ thống tình báo theo dõi của quân Pháp, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tham mưu của ta đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị làm tốt công tác phòng gian, bảo mật; đồng thời tổ chức kế hoạch nghi binh rất chu đáo, chặt chẽ. Theo đó, ta đưa một bộ phận quân chủ lực (Đại đoàn 320, Đại đoàn 304) cùng một số đại đội trinh sát của Bộ về tăng cường hoạt động ở Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình (thuộc đồng bằng Liên khu 3). Các đại đoàn trực tiếp tham gia chiến dịch Tây Bắc (308, 312, 316) đang đứng chân ở trung du Bắc Bộ được lệnh cơ động về Tây Bắc, để lại hệ thống điện đài thường dùng nguyên vị trí cũ và phát sóng theo phiên thường lệ... Hoạt động nghi binh đó của ta đã “đánh lừa” được Bộ chỉ huy quân Pháp. Chúng nhận định các đại đoàn 308, 312, 316 của ta “án binh bất động” ở trung du Bắc Bộ và phán đoán hướng tiến công chủ yếu của ta trong Thu Đông 1952 là đồng bằng Bắc Bộ và tìm cách chuẩn bị đối phó. Khi ta nổ súng chiến dịch Tây Bắc, quân Pháp rất bất ngờ, nhanh chóng rơi vào tình thế bị động, lúng túng và chịu thất bại. Đây cũng là nét đặc sắc về nghệ thuật nghi binh tài tình của ta.
Tiền đề quan trọng dẫn đến Chiến thắng Điện Biên Phủ
Chiến dịch Tây Bắc đã giành được thắng lợi to lớn. Ta diệt và bắt hơn 6.000 địch, giải phóng một vùng rộng lớn ở địa bàn chiến lược quan trọng (khoảng 30.000km2 với 250.000 dân), nối liền vùng giải phóng Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc và Thượng Lào, giữ vững thế chủ động tiến công, làm thất bại âm mưu mở rộng chiếm đóng của địch, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của quân Pháp trên toàn chiến trường Đông Dương, đúng như tướng Pháp Nava (P. Henri Navarre) trong cuốn “Đông Dương hấp hối” sau này đã thừa nhận: Thất bại tại Tây Bắc đã làm tăng khó khăn từ phạm vi Việt Nam ra đến toàn Đông Dương và hoàn toàn bất ngờ đối với phía Pháp.
Chiến thắng Tây Bắc (Thu Đông 1952) trực tiếp mở ra những tiền đề thuận lợi để quân và dân ta giành thắng lợi to lớn trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ ngay trên chiến trường Tây Bắc, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài 9 năm (1945 - 1954).
Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Chiến thắng Tây Bắc 1952 – Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm” được tổ chức vào 14/10 tại TP. Yên Bái (tỉnh Yên Bái). Hội thảo nhằm làm rõ bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước; phân tích âm mưu, thủ đoạn, ý đồ của thực dân Pháp trong Thu-Đông năm 1952, đặc biệt là âm mưu tập trung lực lượng, đẩy mạnh càn quét, bình định quyết liệt, hòng mở rộng và kìm kẹp chặt vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.