Ngày 21/9, Tổng thống Putin thông báo lệnh động viên một phần ở Nga, cho biết nước này đang chiến đấu với "toàn bộ cỗ máy quân sự phương Tây" ở Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga cũng khẳng định Nga sẵn sàng sử dụng mọi phương tiện cần thiết, trong đó bao gồm cả vũ khí hạt nhân để bảo vệ sự thống nhất lãnh thổ.
"Phản ứng phù hợp duy nhất trước những đe dọa gây hấn của Tổng thống Putin là tăng gấp đôi sự ủng hộ cho Ukraine. Nhiều lệnh trừng phạt hơn áp lên Nga. Nhiều vũ khí hơn cung cấp cho Ukraine. Nhiều sự đoàn kết hơn sát cánh với người dân Ukraine. Nhiều doanh nghiệp hơn rút khỏi Nga. Quyết tâm lớn hơn để khiến Nga chịu trách nhiệm", ông Kuleba viết trên Twitter.
Bình luận của ông Kuleba tương đồng với những nhận định của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg với Reuters ngày 21/9 rằng câu trả lời tốt nhất cho những động thái của Nga là "hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine".
Nhiều lãnh đạo phương Tây, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Thủ tướng Anh Liz Truss đã chỉ trích những bình luận của Tổng thống Putin và tái khẳng định sự ủng hộ "trước sau như một" và “vững chắc” cho Kiev.
Ngày 20/9, bà Truss thông báo vào năm tới, Anh sẽ cung cấp bằng hoặc vượt mức hỗ trợ quân sự kỷ lục cho Ukraine năm 2022, hiện đã vượt 2,3 tỷ bảng.
Tuần trước, Washington cũng cam kết sẽ cung cấp thêm 600 triệu USD hỗ trợ quân sự cho Kiev. Tổng cộng, dưới thời chính quyền Tổng thống Biden, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine gần 16 tỷ USD hỗ trợ quân sự.
Các đối tác phương Tây của Ukraine cam kết sẽ duy trì sức ép quân sự và kinh tế lên Nga. Trong khi đó, Tổng thống Putin tuyên bố ngày 21/9 rằng Nga sẽ "không cúi đầu trước các hành vi tống tiền và hăm dọa", cũng như sẽ không bao giờ để mất chủ quyền của mình.
Cùng ngày, trả lời phỏng vấn báo chí, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, các mục tiêu của hoạt động quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine sẽ được hoàn thành, bất kể thời gian diễn ra trong bao lâu./.