Tín hiệu cứng rắn từ Điện Kremlin
Sau khi quyết định này được đưa ra, các quan chức Ukraine đã đưa ra cảnh báo cứng rắn. Mỹ cùng đồng minh cũng đưa ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ và nêu rõ, họ sẽ không bao giờ công nhận kết quả.
Kế hoạch tổ chức các cuộc trưng cầu ý dân về sáp nhập Nga tại Luhansk, Kherson và một phần khu vực Zaporizhzhia và Donetsk do Nga kiểm soát được công bố trong bối cảnh Ukraine đang đẩy mạnh cuộc phản công trên chiến trường, khiến Điện Kremlin phải có phản ứng cứng rắn.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, ông Dmitry Medvedev cho rằng, cuộc trưng cầu ý dân sẽ khiến các đường biên giới được vẽ lại một cách “không thể đảo ngược” và cho phép Moscow sử dụng “bất cứ phương tiện nào” để bảo vệ họ.
Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba đã lên án các kế hoạch tổ chức trưng cầu, gọi động thái này là "trò giả tạo". Ông nêu rõ: “Ukraine có quyền giải phóng các vùng lãnh thổ của mình và sẽ tiếp tục làm điều đó bất chấp những gì Nga tuyên bố”.
Giới phân tích cho rằng, các cuộc trưng cầu ý dân tại vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát nhiều khả năng sẽ nhận được sự ủng hộ nhưng kết quả chắc chắn sẽ không được chính phủ phương Tây công nhận. Hiện Mỹ và châu Âu đang tăng cường viện trợ quân sự và kinh tế, giúp Ukraine giành động lực trên các chiến trường ở miền Đông và miền Nam.
Ông Denis Pushilin, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng cho rằng, cuộc bỏ phiếu sẽ khôi phục công lý lịch sử cho vùng lãnh thổ này. Tại một phần ở khu vực Zaporizhzhia do Nga kiểm soát, nhà hoạt động thân Nga Vladimir Rogov cho biết: “Chúng ta càng sớm trở thành một phần của Nga thì càng nhanh chóng có hòa bình”.
Điện Kremlin gửi đi tín hiệu cứng rắn rằng, nếu các khu vực này quyết định sáp nhập Nga thì bất cứ hành động quân sự nào của Ukraine ở những khu vực đó cũng sẽ được coi như một cuộc tấn công nhằm vào Nga.
Ngoài việc ủng hộ 4 khu vực trên tiến hành trưng cầu ý dân, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga ngày 20/9 đã nhất trí thông qua những sửa đổi trách nhiệm pháp lý đối với một số tội danh chống nghĩa vụ quân sự. Những sửa đổi mới nhằm thắt chặt hình phạt đối với một loạt tội danh như đào ngũ, từ chối tuân theo mệnh lệnh trong thời gian “động viên” và “thiết quân luật”. Trong một động thái đáng chú ý, tổng thống Putin đã ban bố lệnh động viên một phần, cho phép Nga huy động 300.000 quân nhân phục vụ chiến dịch quân sự tại Ukraine. Những diễn biến mới này khiến nhiều nhà phân tích dự đoán rằng, bước tiếp theo, Tổng thống Putin có thể tuyên chiến với Ukraine.
Kể từ khi Ukraine tiến hành cuộc phản công lớn tại Kherson và Kharkov nhằm giành lại các vùng lãnh thổ mà Nga đang nắm giữ, giới chuyên gia và nhiều quan chức phương Tây đã đưa ra những suy đoán về việc Tổng thống Putin sẽ làm gì tiếp theo. Giới chức tại 4 khu vực ở miền Đông và miền Nam đã tiết lộ một phần câu trả lời khi nói rằng các khu vực này sẽ bỏ phiếu về việc sáp nhập vào Nga bắt đầu từ ngày 23/9.
Một chiến thuật đàm phán?
Grigorii Golosov, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Châu Âu ở St. Petersburg, nhận định kế hoạch trưng cầu ý dân có thể là màn dạo đầu cho những hoạt động quân sự mạnh mẽ hơn của Nga tại Ukraine, nhằm buộc chính phủ Tổng thống Zelensky và những người ủng hộ ông phải lùi bước. Điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và Liên minh châu Âu – một kịch bản mà Tổng thống Biden cho rằng có thể dẫn đến chiến tranh Thế giới thứ 3.
Những động thái mới từ phía Nga và phe ly khai ở Ukraine cho thấy lựa chọn của Moscow đang bị thu hẹp sau khi Ukraine tiến hành song song 2 cuộc phản công lớn ở phía Bắc và phía Nam. Nếu Ukraine vẫn quyết tâm đẩy mạnh cuộc phản công, Nga sẽ phải điều động một lực lượng đáng kể để bảo vệ các khu vực đồng ý sáp nhập vào nước này. Trong trường hợp không đủ nguồn lực, Nga có thể xem xét biện pháp cuối cùng là sử dụng vũ khí hạt nhân.
Nhà phân tích Tatiana Stanovaya, người sáng lập công ty phân tích chính trị Politik nhận định: “Tổng thống Putin đang đặt cược vào các cuộc trưng cầu ý dân. Tất cả những tuyên bố liên quan đến hoạt động này là tối hậu thư rõ ràng từ phía Nga đối với Ukraine và phương Tây: Rút lui hoặc chiến tranh hạt nhân”.
Tuy vậy, không loại trừ khả năng Tổng thống Putin muốn gây sức ép để buộc Ukraine đến bàn đàm phán bởi trên thực tế, Nga vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại.
“Bằng cách tiến hành những động thái này, Điện Kremlin nhiều khả năng muốn gửi đi thông điệp rằng họ sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán. Nhiều chính trị gia thường thực hiện các hành động gây leo thang căng thẳng trước khi bước vào một cuộc đàm phán thực sự. Đây là một chiến thuật đàm phán thường thấy", ông Golosov lưu ý.
Cùng chung quan điểm này, nhà phân tích Ukraine Volodymyr Fesenko, người đứng đầu Trung tâm Penta cho rằng, Điện Kremlin dường như tính toán rằng các cuộc trưng cầu ý dân và khả năng tăng cường hành động quân sự sẽ khiến các chính phủ phương Tây phải gia tăng áp lực với Tổng thống Zelensky để bước vào bàn đàm phán với Moscow.
“Nga đang nỗ lực tìm ra các đòn bẩy để thay đổi tình hình đang vượt qua tầm kiểm soát của họ”, ông Fesenko lưu ý./.