Cộng đồng quốc tế bày tỏ lo ngại khoảng trống quyền lực tại Sri Lanka có thể diễn biến thành khủng hoảng, không chỉ ảnh hưởng đến an ninh nước này và khu vực Nam Á mà còn tạo ra hiệu ứng dây chuyền đối với các quốc gia mới nổi.  

Thông báo người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Sri Lanka trưa 13/7 cho biết: “Vì Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã rời đất nước, tình trạng khẩn cấp được ban bố nhằm giải quyết tình hình trong nước”. Thủ tướng Sri Lanka, ông Ranil Wickremesinghe được chỉ định là người tạm quyền Tổng thống. Trước đó, Bộ Quốc phòng Sri Lanka hôm nay (13/7) xác nhận, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, cùng phu nhân và 2 vệ sĩ đã rời đất nước, điểm đến của họ là Maldives.

Như vậy, Tổng thống Rajapaksa đã rời Sri Lanka sau các cuộc biểu tình kéo dài trong nhiều tháng qua tại quốc gia Nam Á này, tuy nhiên ông Rajapaksa ra đi không có nghĩa là khủng hoảng chính trị cùng những khó khăn về kinh tế, vốn đang tác động tiêu cực đến đời sống của 22 triệu người dân Sri Lanka kết thúc. Ngay sau khi tin ông Rajapaksa ra đi, cũng đã xảy ra biểu tình quy mô lớn tại thủ đô Colombo, thậm chí người biểu tình đã tràn vào Văn phòng Thủ tướng yêu cầu ông Ranil Wickremesinghe từ chức. Đại sứ quán Mỹ tại Sri Lanka ở thủ đô Colombo đã thông báo hủy mọi hoạt động dịch vụ lãnh sự trong buổi chiều ngày 13 và cả ngày 14/7 như một biện pháp phòng ngừa.

Phát biểu trên truyền hình, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Abeywardana cũng kêu gọi sự hợp tác và trách nhiệm của tất cả các đảng phái và toàn thể người dân vì tương lai của đất nước để đảm bảo một quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình.

“Tôi trân trọng đề nghị người dân hãy hợp tác thay mặt cho đất nước, vì tương lai của đất nước để duy trì hòa bình. Tôi kêu gọi mọi người hãy hành động có trách nhiệm và không tham gia vào những hành vi như vậy cũng như giải tán các cuộc biểu tình và trở về nhà một cách hòa bình.”

Trong một động thái liên quan, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Sri Lanka tiến hành quá trình chuyển đổi chính phủ suôn sẻ và đưa ra các giải pháp bền vững cho cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại.

Trong khi đó, ông Sajith Premadasa lãnh đạo đảng đối lập Samagi Jana Balawegaya (SJB) cho biết, đảng của ông sẵn sàng tham gia vào bộ máy chính phủ. Hiện SJB đang nắm 54 ghế trong quốc hội Sri Lanka gồm 225 thành viên. Ông này cho biết: “Chúng tôi vô cùng tin tưởng rằng phần lớn người dân Sri Lanka, thuộc mọi sắc tộc, tôn giáo, không phân biệt đẳng cấp hay tín ngưỡng, sẽ ủng hộ cuộc bầu cử và làm cho đất nước chúng ta trở nên thịnh vượng, trong một môi trường mà mọi người đều được hưởng sự thịnh vượng”.

Amita Arudpragasam, một nhà phân tích chính sách có trụ sở tại Colombo đánh giá việc Tổng thống rời bỏ đất nước là “chưa từng có” ở Sri Lanka, bà này cho rằng, chỉ khi nào các bên thành lập chính phủ hòa hợp và đoàn kết, Sri Lanka mới có cơ hội phục hồi được nền kinh tế. Bà này nhận định, nếu không lấp đầy khoảng trống quyền lực hiện nay tại Sri Lanka, sẽ nảy sinh rất nhiều nguy cơ đối với không chỉ nước này mà còn với toàn bộ khu vực Nam Á, trong đó có sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố.

Sri Lanka từ một thiên đường du lịch và thu hút nguồn vốn đầu tư lớn từ Ấn Độ, Trung Quốc… tuy nhiên với chính sách quản lý sai lầm, yếu kém, nạn tham nhũng tràn lan, đại dịch Covid-19… đã biến quốc đảo Nam Á mắc kẹt trong khủng hoảng hoảng kinh tế-tài chính và không có tiền để nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu. Sri Lanka hồi tháng 4 tuyên bố đình chỉ kế hoạch trả 7 tỷ USD nợ nước ngoài đáo hạn trong năm nay trong khoảng 25 tỷ USD nợ dự kiến đáo hạn tới năm 2026. Tổng nợ nước ngoài rơi vào khoảng 51 tỷ USD. Lạm phát đã chạm mức kỷ lục hàng năm là 54,6% vào tháng 6 và có thể lên tới 70% trong thời gian tới. Sri Lanka hiện đang rất cần gói cứu trợ trị giá 6 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF để giữ nền kinh tế vận hành đến hết năm 2022. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để có được sự chấp thuận của đội ngũ điều hành IMF và được giải ngân, Sri Lanka phải chứng minh được rằng họ có khả năng phục hồi nền kinh tế một cách bền vững.

Sri Lanka cũng được coi là minh chứng rõ ràng nhất về sự yếu kém trong quản lý đất nước, vay nợ ngắn hạn, lãi suất cao hơn để hỗ trợ cho các gói cứu trợ đại dịch, khiến quốc gia phải vật lộn để đáp ứng các nghĩa vụ trả nợ. Ngoài Sri Lanka thì hồi chuông báo động cũng đang gióng lên đối với nhiều nền kinh tế trên thế giới như Pakistan, Venezuela, Ai Cập, Afghanistan, Lebanon, Guinea.... với nguy cơ vỡ nợ./.