Bài viết được đăng trên tạp chí y khoa hàng đầu thế giới “The New England Journal of Medicine” (NEJM) và thông tin về bài viết do trang The Paper của Trung Quốc công bố. Theo đó, đây là kết quả của sự hợp tác giữa các nhà khoa học Trung Quốc và Singapore.
Bài viết cho biết, một loại Henipavirus mới có nguồn gốc từ động vật có thể lây sang người đã được phát hiện ở tỉnh Sơn Đông và Hà Nam của Trung Quốc. Các tác giả đặt tên cho nó là Langya henipavirus (LayV). Đến nay, đã có 35 người nhiễm bệnh. Phân tích gen cho thấy, con cù tinh (tên khoa học: Sorex araneus Linnaeus, một loại chuột xạ sống trong rừng) có thể là vật chủ tự nhiên của virus. Hiện vẫn chưa thể xác định liệu virus LayV có thể lây truyền từ người sang người hay không.
Trong số 35 bệnh nhân nhiễm cấp tính, 26 người không có mầm bệnh nào khác, tất cả đều có biểu hiện sốt, hơn một nửa trong số đó có biểu hiện mệt mỏi, ho, chán ăn… 30%-40% bệnh nhân có các triệu chứng như đau cơ, buồn nôn, đau đầu và nôn mửa, 8% thậm chí bị suy giảm chức năng thận.
Nghiên cứu huyết thanh của 25 loài động vật cho thấy, con cù tinh có tỷ lệ dương tính huyết thanh cao nhất là 27%, do vậy được suy đoán là vật chủ tự nhiên của virus; chó và dê có tỷ lệ tương ứng là 5% và 2%.
Một trong các nhà nghiên cứu, Giáo sư Vương Lâm Phát (Wang Linfa) thuộc Viện Y học Đại học Quốc gia Singapore, khi trả lời phỏng vấn trang The Paper ngày 8/8 cho biết: “Loại virus này cùng chi với Nipah virus (NiV), đến nay các ca bệnh này không gây tử vong hoặc rất nghiêm trọng. Vì vậy, có thể nói rằng (chúng ta) nên cảnh giác với loại virus mới này, nhưng không nên hoảng sợ. Nhưng chúng ta cần phải cẩn thận, vì trong giới tự nhiên có nhiều loại virus tương tự, nếu có một loại virus khác truyền sang con người, tình hình có thể sẽ khác.”
Henipavirus là một trong những nguyên nhân mới quan trọng gây ra bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hai loại virus đã biết đến trong chi này có thể lây nhiễm sang người, gồm Hendra virus (HeV) và Nipah virus (NiV). Vật chủ tự nhiên của cả hai loại virus này là dơi ăn quả. Cả hai loại virus này đều gây bệnh nặng cho động vật và người và được phân loại là virus An toàn sinh học cấp độ 4 với tỷ lệ tử vong từ 40%-75%.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, LayV là một loại Henipavirus mới được phát hiện, có thể có nguồn gốc từ động vật và có liên quan đến các bệnh sốt ở người. Phát hiện này đáng được nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về các bệnh liên quan ở người.
Về Henipavirus, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trong trường hợp nghi ngờ có ca bệnh, cần tiến hành cách ly càng sớm càng tốt, thực hiện các biện pháp kiểm soát lây nhiễm và thông báo ngay cho cơ quan y tế công cộng.
Bài viết cũng cho biết, con người sau khi nhiễm Hendra virus, thuộc chi Henipavirus, có thể gây ra bệnh giống cúm nhẹ trong trường hợp nhẹ và các bệnh về hô hấp hoặc thần kinh gây tử vong trong trường hợp nặng. Người nhiễm Hendra virus có tỷ lệ tử vong từ 50%-75%. Tuy nhiên, virus này không dễ lây lan. Khi con người bị nhiễm Nipah virus, các trường hợp nhẹ có thể biểu hiện thành nhiễm trùng không có triệu chứng, trường hợp nặng có thể phát triển hội chứng hô hấp cấp tính và viêm não gây tử vong. Năm 1998, Nipah virus đã gây bùng phát dịch trên đàn lợn ở Malaysia, khiến 265 người nhiễm bệnh, trong đó 105 ca tử vong. Câu chuyện này sau đó đã được chuyển thể thành phim “Bệnh truyền nhiễm” (Contagion) được nhiều người biết đến.
Hiện vẫn chưa có vaccine chủng ngừa hoặc thuốc điều trị Henipavirus. Phương pháp điều trị duy nhất là chăm sóc hỗ trợ nhằm kiểm soát các biến chứng. Theo WHO, tỷ lệ tử vong của Henipavirus là từ 40%-75%, cao hơn nhiều so với Covid-19./.