Phát biểu tại cuộc họp báo tại Hội nghị biến đổi khí hậu lần thứ 27 của Liên Hợp Quốc (COP27) tổ chức tại Ai Cập ngày 9/11, Đặc phái viên về các vấn đề biến đổi khí hậu của Trung Quốc Giải Chấn Hoa cho biết, Trung Quốc ủng hộ các nước đang phát triển tìm kiếm bồi thường thiệt hại do sự nóng lên toàn cầu và phương án bồi thường cần phải xem xét lượng khí thải phát ra từ các nước phát triển từ thời kỳ công nghiệp hóa trở lại đây.

Đặc phái viên về các vấn đề biến đổi khí hậu của Trung Quốc, ông Giải Chấn Hoa cho biết, là một quốc gia phát thải lớn nhất và là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc luôn chủ trương nguyên tắc trách nhiệm lịch sử nhằm phản ánh lượng khí khải phát ra trong quá khứ. Một trong những vấn đề bức thiết nhất của hội nghị cấp cao lần này là làm thế nào để giải quyết việc các quốc gia phát triển thực hiện bồi thường những thiệt hại và tổn thất về biến đổi khí hậu.

Theo ông Giải Chấn Hoa, sự chia rẽ lớn nhất hiện tại chính là một số quốc gia đồng ý thành lập quỹ bồi thường và đóng góp vào quỹ, nhưng một số quốc gia không đồng ý thảo luận vấn đề này.

Trung Quốc cũng là nước chịu thiệt hại do sự biến đổi khí hậu, những tổn thất do thời tiết cực đoan và thảm họa thiên nhiên đã lên đến 400 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 60 tỷ USD), làm 4.000 người tử vong chỉ trong năm nay. Việc cảm nhận những hậu quả do sự nóng lên của khí hậu toàn cầu của Trung Quốc cũng giống như các nước chậm phát triển khác.

Ông Giải Chấn Hoa cho biết thêm, từ Hội nghị các nước tham gia “Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc” bắt đầu từ những năm 1990 trở lại đây, các nước nghèo luôn yêu cầu thảo luận vấn đề bồi thường khí hậu. Tuy nhiên, các nước công nghiệp phát triển lại ngăn cản đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự do lo ngại sẽ bị yêu cầu những khoản tiền bồi thường lớn.

Đặc phái viên về các vấn đề biến đổi khí hậu của Trung Quốc nhấn mạnh, Trung Quốc ủng hộ một cơ chế để các nước nghèo chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tìm kiếm thảo luận việc bồi thường thiệt hại./.