Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Nga có thể cân nhắc “mượn” một số ý tưởng của Mỹ về cách đảm bảo an ninh, bao gồm cả chiến thuật tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu giải trừ vũ khí.
“Thứ nhất, Mỹ có học thuyết tấn công phủ đầu. Thứ hai, họ đang phát triển một hệ thống tấn công giải trừ vũ khí. Đó là gì? Đó là một hệ thống tấn công các trung tâm chỉ huy và kiểm soát bằng các phương tiện công nghệ cao, hiện đại với mục đích vô hiệu hóa chúng…”, ông Putin phát biểu với bao giới ngày 10/12.
Tổng thống Putin cho biết ông đang đề cập đến các tên lửa hành trình, bao gồm cả tên lửa phóng từ mặt đất, mà Moscow từng đồng ý loại bỏ.
“Chúng tôi đã loại bỏ các tên lửa loại này, trong khi Mỹ khôn ngoan hơn vào thời điểm đó. Họ đã loại bỏ các tên lửa phóng từ mặt đất, nhưng giữ lại những tên lửa phóng từ trên không và trên biển. Họ vẫn có chúng, được nâng cấp và thậm chí còn hiệu quả hơn”, ông Putin nói.
Ngoài ra, ông Putin cũng chỉ ra rằng đã có những kế hoạch tạo ra tiềm năng thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu giải trừ vũ khí bằng các hệ thống siêu thanh có tốc độ từ Mach 5 – Mach 25 (5-25 lần tốc độ âm thanh).
“Cho đến nay Mỹ vẫn chưa loại vũ khí này, nhưng chúng tôi có”, ông Putin nhấn mạnh.
“Vì Nga đang đối mặt với một cuộc tấn công giải trừ vũ khí, có lẽ chúng tôi nên cân nhắc ‘mượn’ ý tưởng của Mỹ về cách đảm bảo an ninh của chính mình, phải không? Chúng tôi chỉ đang nghĩ về nó. Rốt cuộc, không ai ngại nói về điều này trong nhiều năm qua”, ông Putin nói.
Ông Putin cũng nhắc lại rằng ở Mỹ một cuộc tấn công phủ đầu được vạch rõ trong các chiến lược của họ.
“Ở đây [Nga] thì khác. Chiến lược của chúng tôi quy định rõ ràng và chính xác về phản ứng trước một cuộc tấn công”, ông Putin cho hay. Nếu hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa của Nga nhận được tín hiệu về một cuộc tấn công tên lửa, từ phía Nga “hàng trăm tên lửa sẽ được phóng đi”.
“Không thể ngăn chặn chúng. Nhưng đây sẽ là một cuộc [tấn công] trả đũa. Điều này có nghĩa là gì? Các đầu đạn của đối thủ rơi xuống lãnh thổ Nga là điều không thể tránh khỏi. Họ sẽ không còn gì, bởi vì việc đánh chặn hàng trăm tên lửa là bất khả thi. Tất nhiên, đây là một biện pháp răn đe không thể xem nhẹ”, ông Putin nói, đồng thời cho biết thêm Nga thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận của lực lượng hạt nhân.
“Nhưng nếu một đối thủ tiềm năng nghĩ rằng họ có thể sử dụng học thuyết về một cuộc tấn công phòng ngừa, trong khi chúng tôi không làm như vậy, thì điều này khiến chúng tôi phải suy nghĩ về mối đe dọa mà những ý tưởng như vậy trong học thuyết phòng thủ của các quốc gia khác gây ra cho Nga”, ông Putin kết luận./.