Tên lửa chống hạm Neptune (đặt theo tên của Thủy thần trong thần thoại La Mã) là một trong những vũ khí bí mật của Ukraine. Được phát triển từ trước năm 2014 và hoàn thiện chỉ vài ngày trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, dự án chế tạo tên lửa hành trình này được coi là hy vọng lớn nhất của Hải quân Ukraine trong việc làm giảm ưu thế Hạm đội Biển Đen của Nga.

R-360 Neptune được Ukraine chế tạo trên nền tảng tên lửa diệt hạm cận âm 3M24 Uran, ra đời từ thời Liên Xô. Tên lửa dài 4,4m; đường kính 0,4m; nặng 870kg, trong đó đầu đạn nổ phá mảnh nặng từ 145-150kg. Loại đầu đạn này đủ khả năng đánh chìm tàu quân sự đối phương có trọng tải khoảng 5.000 tấn, chẳng hạn như khu trục hạm. Tên lửa có tầm bắn khoảng 300 km và đạt tốc độ cận âm. Neptune được trang bị hệ thống dẫn dường quán tính với radar giai đoạn chủ động cuối, có phần giống với tên lửa Kh-35 của Nga.

Neptune được coi là vũ khí lợi hại của Ukraine, nhưng điều đáng chú ý là tên lửa đã nhiều lần bắn trượt mục tiêu trong cuộc xung đột với Nga. Những tên lửa đầu tiên mà đơn vị tên lửa Neptune của Hải quân bắn vào tàu Nga hồi tháng 3/2022 đã trượt mục tiêu. Một số thủy thủ Ukraine cáo buộc đặc vụ Nga can thiệp và làm chệch đường bắn của tên lửa.

Tờ Ukrainska Pravda cho rằng, có khả năng đặc vụ Nga đã xâm nhập vào bên trong hoặc gần nhà máy sản xuất Design Bureau Luch có trụ sở tại Kiev – một nhánh của Ukroboronprom, cố ý làm sai lệch hệ thống dẫn đường của tên lửa.

Hải quân Ukraine từng rất kỳ vọng vào hiệu quả của Neptune trong bối cảnh họ thiếu rất nhiều loại vũ khí giúp họ làm giảm lợi thế áp đảo của Hải quân Nga ở Biển Đen.

Hạm đội Biển Đen của Nga có thể triển khai 30 tàu chiến và tàu ngầm cùng với nhiều máy bay và một số hệ thống tên lửa trên đất liền. Ngược lại, hải quân Ukraine chỉ có một khinh hạm trang bị pháo và một vài máy bay trực thăng.

Trước đó vào cuối năm 2020, Tổng thống Ukraine Zelensky đã chỉ thị cho các quan chức trong chính phủ nước này tìm kiếm nguồn tài chính để hoàn thành chương trình thử nghiệm tên lửa Neptune, gấp rút sản xuất tổ hợp đầu tiên gồm xe phóng mang theo 4 đạn tên lửa, một xe chỉ huy, xe hậu cần và hệ thống radar cơ động Mineral-U với tầm hoạt động 600km. Nhưng một năm sau, đến tháng 12/2021, các nhà sản xuất Ukraine vẫn chưa thể hoàn thiện một tổ hợp tên lửa nào. Trong lúc đó, quân đội Nga tập trung rất đông ở biên giới với Ukraine và chuẩn bị tiến hành cuộc tấn công. Thời gian đối với Ukraine không còn nhiều.

Cuối cùng, tổ hợp tên lửa Neptune đầu tiên đã hoàn thiện vào ngày 20/2/2022. “Theo đúng nghĩa đen, vài ngày trước khi cuộc xung đột nổ ra, chúng tôi đã đưa tổ hợp Neptune ra khỏi nhà máy ở Kiev”, tờ Ukrainska Pravda cho biết.

Nga sau đó Nga đã sử dụng tên lửa tầm xa tấn công nhà máy này 3 lần. Theo nhận định của một số chuyên gia quân sự thuộc trang Topwar.ru, động thái của không quân Nga tấn công vào nhà máy quốc phòng Kommunar ở Kharkiv là nhằm làm giảm năng lực chống hạm của quân đội Ukraine trong thời gian tới, khiến việc sản xuất tên lửa Neptune bị ngưng trệ.

Tổ hợp Neptune được triển khai tới cảng Mykolaiv nằm trên sông Bug ở phía Nam chỉ cách Biển Đen 64km. Cảng Mykolaiv và cảng Odessa gần đó đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Ukraine. Chúng cũng là mục tiêu hàng đầu của hạm đội Nga.

Ngay sau khi đến Mykolaiv, các đơn vị vận hành tổ hợp tên lửa Neptune đã phát hiện ra những mục tiêu tiềm năng đầu tiên, đó là bộ ba tàu đổ bộ của Nga đã rời cảng Crimea và đang đi về hướng Mykolaiv. Các lực lượng Ukraine đã phóng ba tên lửa Neptune nhằm vào những con tàu này nhưng không tên lửa nào trúng mục tiêu. Chúng đã nhanh chóng biến mất khỏi tầm quan sát của các thủy thủ.

Thủy thủ Ukraine cho rằng, Nga đã bắn hạ các tên lửa. Có nhiều lý do khiến họ đưa ra suy luận này. Tên lửa có đường bay ngang qua thành phố Odessa và để giảm rủi ro cho người dân trong thành phố, đơn vị vận hành đã lập trình cho tên lửa bay ở độ cao 121m, cao hơn so với mức hoạt động tối ưu của tên lửa. Điều này khiến các lực lượng Nga dễ dàng phát hiện và đánh chặn.

Nhưng cũng không loại trừ khả năng tên lửa Neptune bị trục trặc và bay chệch hướng. Nhà báo Romaniuk của Ukrainska Pravda giải thích: “Đối với những người điều khiển, sự thất vọng lớn nhất là khi tên lửa biến mất ở đâu đó và không trúng đích”.

Để xem xét liệu đây có phải lỗi kỹ thuật hay không, các đơn vị vận hành Neptune và kỹ thuật viên của Design Bureau Luch đã tháo dỡ một số tên lửa. “Họ phát hiện ra rằng một bộ phận của các tên lửa đã bị hỏng, do đó nó không thể hoạt động chính xác”. Các tên lửa đã bị trục trặc và câu hỏi tiếp theo là điều gì đã dẫn đến việc này. Liệu các công nhân của Design Bureau Luch đã mắc sai lầm hay có sự can thiệp của Nga trong quá trình sản xuất? Dù Design Bureau Luch khẳng định không có bất cứ hành vi phá hoại nào nhưng Ukrainska Pravda dẫn 2 nguồn tin quân sự cho biết, họ không thể loại trừ khả năng này.

“Tất cả các tên lửa đều gặp trục trặc kỹ thuật giống nhau. Điều này cho thấy rõ ràng có sự cố ý làm sai lệch”, nguồn tin cho biết. Hành vi cố tình phá hỏng tên lửa trong quá trình sản xuất trong nhà máy không phải là điều khó tin. Bất cứ khả năng nào cũng có thể xảy ra khi xung đột Nga-Ukraine leo thang và các bên luôn tin cách kìm hãm năng lực sản xuất vũ khí của nhau.

Trước đó, từng có một số nguồn tin cho rằng, đặc vụ Ukraine đã xâm nhập sâu hơn 800km vào lãnh thổ Nga để làm nổ tung một máy bay trực thăng tấn công của không quân Nga đỗ ở sân bay quân sự. Moscow cũng cáo buộc Ukraine dàn dựng một vụ đánh bom bằng xe tải làm hư hại cây cầu Kerch nối bán đảo Crimea với lục địa Nga.

Mặc dù chưa xác định rõ ràng sai sót của tên lửa Neptunes là sự cố ngẫu nhiên hay kết quả của hành vi phá hoại nhưng Ukraine đã nhanh chóng sửa chữa các tên lửa còn lại. Vài tuần sau, vào ngày 13/4, Ukraine tuyên bố đã sử dụng tên lửa diệt hạm này bắn chìm tàu tuần dương Moskva của Nga, làm thay đổi cục diện cuộc hải chiến ở Biển Đen./.