Trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine và tình trạng biến đổi khí hậu đang đẩy nước Pháp và châu Âu lún sâu vào các cuộc khủng hoảng mới.
Trong thông điệp gửi đến người dân Pháp sau khi kết thúc kỳ nghỉ Hè, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định, thế giới đang sống trong một thời kỳ biến động ghê gớm, với những cuộc khủng hoảng nối nhau liên tiếp và mỗi cuộc khủng hoảng sau lại tồi tệ hơn khủng hoảng trước. Theo ông Macron, nước Pháp và châu Âu đang đối mặt với 2 cuộc khủng hoảng trầm trọng, một gây ra bởi sự biến đổi khí hậu và một gây ra bởi xung đột Nga-Ukraine.
Về mặt khí hậu, nước Pháp và châu Âu hiện đang đối mặt với thời kỳ hạn hán được xem là lớn nhất trong vòng 5 thế kỷ qua. Bên cạnh đó, tình trạng nắng nóng cực đoan kéo dài cũng đã khiến nước Pháp trải qua những vụ cháy rừng lớn nhất trong vài thập kỷ qua. Cách đây 1 tuần, đảo Corse và một số tỉnh miền Nam nước Pháp cũng tiếp tục hứng chịu các trận giông bão mạnh chưa từng thấy, khiến hàng chục người thiệt mạng và bị thương.
Liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine, nền kinh tế Pháp và nhiều nước châu Âu cũng rơi vào tình trạng ảm đạm và đang đứng trước bờ vực suy thoái do giá năng lượng, thực phẩm tăng cao đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định, thời kỳ no đủ, không phải lo lắng với nước Pháp và châu Âu đã chấm dứt.
“Thời điểm mà chúng ta đang sống dường như được tạo nên bởi chuỗi các cuộc khủng hoảng, cái sau tồi tệ hơn cái trước. Về phần mình, tôi tin rằng chúng ta đang sống trong một thời đại đảo lộn ghê gớm bởi về sâu xa thì chúng ta đang trải qua, không phải chỉ từ mùa Hè năm nay, sự chấm dứt của một thời kỳ no đủ” - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói.
Nhằm đối phó với những cuộc khủng hoảng trước mắt, Tổng thống Pháp kêu gọi người dân Pháp đoàn kết, nỗ lực và chấp nhận hy sinh nhiều hơn. Về phía chính phủ Pháp, ông Macron yêu cầu các quan chức chính phủ Pháp hành động nghiêm túc, tạo dựng niềm tin cho dân chúng và tránh các khẩu hiệu mị dân. Trước đó, đầu tuần này Tổng thống Pháp cũng đã kêu gọi người dân Pháp đẩy nhanh kế hoạch tiết kiệm năng lượng nhằm đối phó với mùa Đông khó khăn sắp tới.
Ngoài Pháp, hầu hết các nước châu Âu khác cũng đã triển khai các biện pháp khẩn cấp nhằm giảm thiểu tác động của xung đột Nga-Ukraine, đặc biệt về mặt năng lượng. Trong ngày 24/8, chính phủ Đức đã chính thức thông qua luật hạn chế việc sưởi ấm các toà nhà công cộng, theo đó tại các địa điểm này nhiệt độ không được để quá 19 độ C. Lò sưởi tại các hành lang, các phòng kỹ thuật hay các lối ra vào các toà nhà cũng bị cấm sử dụng.
Ngoài ra, luật mới cũng cho phép các đoàn tàu chở than đá và dầu mỏ được ưu tiên di chuyển so với tàu chở hành khách hay hàng hoá. Tại Đức, do tình trạng hạn hán nghiêm trọng, đẩy mực nước các con sông xuống mức thấp kỷ lục nên nhiều tuyến đường thuỷ nội địa tại nước này đã bị gián đoạn từ nhiều tuần qua./.