Chỉ còn 1 ngày nữa hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) sẽ kết thúc. Trước thềm hội nghị đã có không ít tiếng nói khẩn thiết, đặc biệt là trẻ em, kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động hơn nữa để bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh xanh.

Trong dòng người tham dự hội nghị COP27, bên cạnh những người lớn với trang phục công sở lịch sự trang nhã, còn có cả những trẻ em, những đại sứ thiện chí tí hon được các nước cử đến tham dự hội nghị, nhằm góp thêm tiếng nói trong việc bảo vệ môi trường. Các em tuy nhỏ, nhưng những câu chuyện của các em về tình trạng khí hậu tại quê hương các em thì không hề nhỏ chút nào.

Mustafa, cậu bé 12 tuổi, đại diện cho thành phố Minya, bờ tây sông Nile cho biết, biến đổi khí hậu đã khiến thành phố nơi em ở thường xuyên có mưa nặng hạt vào mùa Đông và hệ quả là  điện liên tục bị cắt và các em không được đến trường.

“Nhà cháu thường xuyên có mưa to vào mùa Đông. Phố sá thường lầy lội. Điện liên tục bị cắt và thành phố thì tối om. Cháu đã thấy được tác động của biến đổi khí hậu đối với giáo dục. Chúng cháu đã không thể đến trường. Một tiếng nói của cháu thôi là chưa đủ. Cháu muốn có nhiều tổ chức nghe được tiếng nói của cháu và các bạn khác về những trải nghiệm của biến đổi khí hậu.”

Cô bé Mariram, đại sứ thiện chí của thành phố Cairo, Ai Cập thì cho biết, biến đổi khí hậu đã khiến những tháng mùa Hè ở Cairo thành “địa ngục trần gian” khi nhiệt độ luôn dao động ở mức 40 độ C.

Mong ước nhất của cô bé lúc này là tiếng nói của cô và các bạn khác được các nhà lãnh đạo thế giới lắng nghe và hành động: “Cháu muốn các nhà lãnh đạo thế giới sẽ cân nhắc những yêu cầu của chúng cháu. Các nhà hoạch định chính sách nên lắng nghe và nghiên cứu, thực thi chúng cẩn thận. Cháu kêu gọi mọi người không nên chỉ nghĩ về kinh tế mà hãy nghĩ đến những con người.”

Trước Mustafa và Mariam, hồi đầu tuần, những người tham dự hội nghị COP27 cũng đã phải ngỡ ngàng khi chứng kiến cô bé Licypriya Kangujam – 11 tuổi đến từ Ấn Độ chất vấn bộ trưởng khí hậu Anh Zac Goldsmith về biến đổi khí hậu, với những câu hỏi vô cùng sâu sắc. Cô bé sinh năm 2011, 2 năm sau thời điểm các nước giàu lần đầu tiên nhất trí với bản kế hoạch tài trợ trên 100 tỷ  cho các nước nghèo từ năm 2020.

Tuy nhiên đến nay, bản kế hoạch này vẫn chưa được thực hiện. Và hệ quả là nhiều nước nghèo, những nước chịu sự tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, trong đó có Ấn Độ vẫn đang từng tháng từng ngày đối mặt với hiểm họa của thiên tai. Bang Odisha – nơi Kangujam sinh sống được xem là nơi thường xuyên phải đối mặt với các trận bão lớn.

Trong thông điệp gửi tới hội nghị, cô bé nhấn mạnh: “Cháu chỉ có 1 thông điệp nhỏ gửi tới các nhà lãnh đạo. Cháu muốn nói, họ hãy hành động ngay ngày hôm nay để quyết định tương lai ngày mai. Thế hệ chúng cháu là nạn nhân của khủng hoảng khí hậu. Cháu không muốn các thế hệ tương lai phải đối mặt với hệ quả của không hành động và những lời cam kết không được thực hiện. Chúng cháu muốn những hành động khí hậu thực chất tại hội nghị COP27 này vì một tương lai tốt hơn, sạch hơn và an toàn hơn. Chúng cháu muốn công lý cho khí hậu và những

Chỉ còn 1 ngày nữa, hội nghị COP27 sẽ kết thúc. Tuy nhiên, đến nay, các nước vẫn đang chia rẽ về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có bế tắc trong các cuộc đàm phán chính là việc các nước giàu phải chấp nhận bồi thường cho những nền kinh tế mới nổi. Trong khi các cuộc tranh luận đang diễn ra thì nhiệt độ trung bình của Trái Đất cũng tăng 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, gây ra nhiều thiên tai với mức độ ngày càng nghiêm trọng, như lũ lụt khiến 1/3 diện tích Pakistan bị ngập vào mùa Hè và cướp đi sinh mạng của ít nhất 1.700 người.

Chỉ khi nào những tiếng nói khẩn thiết trong đó có trẻ em được lắng nghe, những cam kết được thực thi, khi đó mục tiêu kềm chế sự nóng lên của Trái Đất mới được hiện thực hóa. Và những trẻ em như cậu bé Mustafa, cô bé Mariram, Kangujam sẽ không còn phải bận tâm đến những vấn đề được xem là quá lớn lao với độ tuổi của các em, trong đó có biến đổi khí hậu./.