Dự kiến, các đại sứ EU sẽ tiếp tục đàm phán về đề xuất này vào ngày 12/12 để chuẩn bị cơ sở trước cuộc họp khẩn cấp của các Bộ trưởng năng lượng một ngày sau đó. Các cuộc đàm phán sẽ diễn ra trong bối cảnh có sự rạn nứt giữa các quốc gia thành viên về biện pháp này, trong khi Đức, Hà Lan và Đan Mạch thúc giục một cách tiếp cận thận trọng để tránh gây nguy hiểm cho an ninh nguồn cung thì các quốc gia bao gồm Bỉ, Hy Lạp, Italia và Ba Lan muốn có một cơ chế tích cực hơn.

Đại diện cho quốc gia hiện là chủ tịch luân phiên của EU, Bộ trưởng Công nghiệp Séc Sikela tin tưởng sẽ có thể đạt được một thỏa thuận. Dưới áp lực của đa số các quốc gia thành viên, Ủy ban châu Âu đã đề xuất mức trần đối với giá khí đốt để ngăn chặn sự gia tăng chi phí năng lượng do việc cắt giảm nguồn cung từ Nga.

Chính phủ Séc đã đề xuất cắt giảm mức điều chỉnh xuống 220 euro và mức chênh lệch giữa thị trường EU và thế giới xuống 35 euro. Tuy nhiên, điều này vẫn nhận được rất ít sự ủng hộ từ các thành viên EU.

Việc không đạt được thỏa thuận vào thứ 3 tới đồng nghĩa là mức trần sẽ phải được thảo luận bởi những người đứng đầu chính phủ của EU tại hội nghị thượng đỉnh vào ngày 15/12 tới trước khi diễn ra một cuộc họp khác của các Bộ trưởng năng lượng bốn ngày sau đó. Tuy nhiên, trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, chủ tịch luân phiên Séc có thể sẽ đưa ra quyết định bỏ phiếu theo đa số để giải quyết vấn đề này.

Bộ trưởng Séc Sikela cảnh báo sự chậm trễ trong việc thống nhất mức giá trần có thể dẫn tới nguy cơ làm suy yếu sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên đối với Ukraine. Theo ông, với lượng khí dự trữ ở mức kỷ lục vào thời điểm này trong năm, khối này có thể sẽ vượt qua mùa đông mà không gặp vấn đề gì lớn. Tuy nhiên, trong giai đoạn tiếp theo sẽ rất khó khăn hơn vì phần lớn dự trữ đã được sử dụng trong mùa đông năm nay./.